X
Card image cap

Những điều NGẠC NHIÊN về vật liệu chống thấm nhà vệ sinh ít ai biết

Dương Ngọc Hà 2020-02-07

Tình trạng nhà ở xuống cấp hiện nay, nhất là các căn hộ chung cư đang ngày càng trở nên mất kiểm soát. Hệ quả mà nó để lại chính là các vết thấm, dột, loang lổ và ẩm mốc trong khu vực công trình phụ. Để khắc phục vấn đề này, các nhà sản xuất đã không ngừng phát triển các dòng vật liệu chống thấm nhà vệ sinh. Các kinh nghiệm trong bài viết này đã được 9houz tổng hợp lại từ phía các chuyên gia.

 

I. Vật liệu chống thấm là gì?

Để hiểu về vật liệu chống thấm, trước tiên chúng ta cần nắm rõ được công đoạn chống thấm khi xây dựng là gì.

Về cơ bản, chống thấm là việc ngăn chặn nước thâm nhập hay tràn vào trong nhà ở bằng cách sử dụng vật liệu màng và lớp phủ hay tấm lợp để phủ lên trên, sơn quét, dán bọc ra ngoài hoặc lót dưới đáy.

Có bao nhiêu loại vật liệu chống thấm nhà vệ sinh?

Có bao nhiêu loại vật liệu chống thấm nhà vệ sinh?

Việc này có mục đích bảo vệ công trình xây dựng khỏi tác hại của nước mưa và nước ngầm hay do mặt nước bao xung quanh.

Vật liệu chống thấm bao gồm những nguyên vật liệu được dùng để hỗ trợ trực tiếp trong quá trình chống thấm này. Hiện nay trên thị trường tồn tại hai loại vật liệu chống thấm phổ biến: sơn chống thấm và chất chống thấm.

1. Chất chống thấm

Loại này thường được sử dụng để xử lý các sự cố thấm do sai hỏng kết cấu như nứt vỡ chân tường, cổ ống, cổ trần, nứt tường, nứt móng,.. Yêu cầu đặt ra đối với chất chống thấm đó là phải tương hợp tốt với nền.

a. Chất chống thấm dạng lỏng

Về nguyên tắc, chất chống thấm dạng lỏng tương tự như sơn chống thấm do đều chứa chất tạo màng, dung môi phân tán, bột và phụ gia.

Chất chống thấm dạng lỏng tương tự như sơn chống thấm

Chất chống thấm dạng lỏng tương tự như sơn chống thấm

Chất chống thấm dạng lỏng chủ yếu được tổng hợp từ các loại polymer tổng hợp tồn tại dạng nhũ tương hoặc huyền phù. Tác dụng mà thành phần này mang lại đó là: dẻo hóa và tăng bám dính cho thành phần bột chủ yếu là xi măng.

Thị trường chất chống thấm dạng lỏng có thể kể đến như:  Sika Latex/ Latex TH, Sikatopseal 107 của hãng Sika, CT11A/11B của Hãng Kova hay Intoc 04 của hãng Intoc...

b. Màng chống thấm

Dưới dạng các loại như giấy dầu (dán bằng bitum nhũ tương),màng bitum dán bằng bitum nóng chảy như Sikabituseal  hoặc bitum nhũ tương hoặc màng bitum tự dán Sikamultiseal.

Thi công màng chống thấm

Thi công màng chống thấm

Có thể dùng cho tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và loại cho công trình ngầm, độ dày biến đổi từ 1,2 - 2mm.

c. Bitum nhũ tương - sản phẩm cổ truyền

Được cung cấp chủ yếu bởi  hãng Sika như Sikaproof Membrane và hãng Shell Flintkote. Dạng này không thích hợp với những công trình thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời do đặc tính chịu UV, khả năng kháng kiềm kém.

2. Sơn chống thấm

Loại vật liệu chống thấm này đang được sử dụng rộng rãi hơn cả, nó đặc biệt thích hợp với các bề mặt vữa trát xi măng hay bê-tông như sàn mái, sàn nhà, tường đứng, sê nô, mái hiên,..

Sơn chống thấm giúp ngăn chặn sự thấm nước từ trên xuống dưới với các bề mặt nằm ngang và chống thấm ở phía được thi công cho các bề mặt thẳng đứng.

Ngoài công dụng đặc thù, sơn này còn mang lại giá trị thẩm mỹ cao hoặc sử dụng làm tín hiệu.

Sản phẩm sơn chống thấm đến từ thương hiệu Jotun

Sản phẩm sơn chống thấm đến từ thương hiệu Jotun

Đọc thêm: 

II. Tầm quan trọng của chống thấm nhà vệ sinh

Nhà vệ sinh mặc dù chỉ chiếm một phần diện tích nhỏ so với ngôi nhà nhưng lại có tần suất sử dụng nhiều nhất. Do đó, nếu chủ nhà không quan tâm đến việc chống thấm, hiện tượng thấm dột, ẩm mốc, ảnh hưởng đến chất lượng của công trình rất dễ xảy ra.

Bạn nên nhớ rằng, khâu chống thấm cho nhà vệ sinh là cực kỳ quan trọng, quyết định đến tính thẩm mỹ cũng như tuổi thọ của nhà ở.

Hệ lụy mà những vết loang lổ, ẩm mốc để lại không hề nhỏ, có thể là thấm trần nhà, thấm tường, thấm sàn,..Lúc này, toàn bộ kết cấu ngôi nhà đều bị tác động.

Nếu không có sự phòng ngừa ngay từ ban đầu, bạn sẽ phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để sửa chữa. Đó là chưa kể quá trình sửa chữa phức tạp, liên quan đến toàn bộ thiết bị nhà vệ sinh, bồn tắm, bồn rửa tay lavabo, đục nền, đục tường,...gây mất thời gian, công sức và phiền toái trong sinh hoạt của gia đình.

Chống thấm nhà vệ sinh tốt tăng tuổi thọ cho công trình

Chống thấm nhà vệ sinh tốt tăng tuổi thọ cho công trình

Không những thế, vấn đề nấm mốc này còn ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Dễ gây cháy nổ, chập điện, đối với các thiết bị điện âm tường dễ bị phá hủy do quá trình ăn mòn hóa học.

Ngoài ra, điều kiện nấm mốc kéo dài, tạo điều kiện cho vi sinh vật sinh sôi, sinh ra các mầm bệnh liên quan đến hô hấp và hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Do đó, ngay từ khi thi công công trình nhà ở, chủ nhà cùng kiến trúc sư cần lên kế hoạch chống thấm nhà vệ sinh cẩn trọng. Một trong số những phương pháp phổ biến và dễ dàng nhất chính là áp dụng sơn chống thấm nhà vệ sinh.

Đọc thêm:

  • Thoát khỏi nỗi ÁM ẢNH oi bức mùa hè trong phòng họp đẹp với vật liệu chống nóng

III. Hướng dẫn chọn vật liệu chống thấm nhà vệ sinh phù hợp

Nhiều người tưởng rằng lựa chọn vật liệu chống thấm nhà vệ sinh là một việc làm đơn giản. Nhưng trên thực tế, không ít người đã mắc phải lỗi sai.

Mặc dù, các nguyên vật liệu chống thấm nhìn chung đều có khả năng chống thấm dột, ẩm mốc. Bạn cần xác định rõ từng hạng mục chống thấm sao cho sản phẩm có thể phát huy được hết công dụng của chúng.

Các mẹo chọn vật liệu nhà vệ sinh phù hợp

Các mẹo chọn vật liệu nhà vệ sinh phù hợp

Một lời khuyên đến từ các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng: “Trước khi lựa chọn, hãy tham khảo ý kiến của nhà sản xuất, đại lý phân phối về mục đích của sản phẩm là gì”. Bạn cần xem xét 5 tiêu chí dưới đây trước khi đưa ra quyết định chọn mua của mình.

1.  Xem xét kỹ và xác định vị trí cần chống thấm

Trong xây dựng công trình, các kiến trúc sư chia chống thấm nhà vệ sinh ra làm hai dạng chống thấm phổ biến đó là: chống thấm sàn âm, sàn dương và phần cổ ống.

Theo đó, sàn âm cần phải chống thấm cả các hộp kỹ thuật bởi đường ống thường chạy ngang mặt sàn và được lắp đặt âm dưới nền nhà. Đối với sàn dương, là dạng sàn có đường ống đi xuyên sàn thì sẽ dễ chống thấm hơn.

2. Đảm bảo được khả năng ngăn chặn nước hay chất lỏng khác xuyên qua hoặc thấm vào một cách tối đa

Việc chống thấm hiệu quả quyết định phần lớn giá trị sử dụng cũng như thời hạn của công trình nhà vệ sinh.

Các loại sơn chống thấm nhà vệ sinh cần chắc chắn về khả năng chống thấm, chống ẩm chất lượng và ổn định của sản phẩm. Ngược lại, nếu bạn lơ là trong vấn đề chất lượng của sơn chống thấm, kết quả sẽ là: rêu mốc, nứt vách, nứt tường công trình.

Xử lý tốt vị trí chân tường

Xử lý tốt vị trí chân tường

3. Đảm bảo an toàn sức khỏe người dùng

Nói cho cùng, sức khỏe của người tiêu dùng vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Vật liệu chống thấm nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phải không chứa các chất gây ảnh hưởng cũng như có tác hại xấu đến sức khỏe.

Mặc dù một số dòng sản phẩm chống thấm ngày nay cam kết không gây hại đến sức khỏe, tuy nhiên, chúng vẫn được tổng hợp từ hóa chất, bạn nên hạn chế việc tiếp xúc trong khoảng thời gian dài nhiều nhất có thể, nhất là đối với công trình vừa được thi công.

4. Tính thẩm mỹ cho công trình

Các loại sơn chống thấm đều mang lại giá trị thẩm mỹ cao, nên đây không phải là một vấn đề đáng lo ngại. Hầu hết, các sản phẩm này đều có màu trắng hoặc trắng xám nên rất dễ để phủ đè lên bằng các loại sơn màu khác.

Hậu quả khủng khiếp của quá trình thấm mốc

Hậu quả khủng khiếp của quá trình thấm mốc

5. Tính năng khác của vật liệu chống thấm

Đừng chỉ quan tâm đến chức năng chống thấm của nguyên vật liệu, bạn nên chú ý đến các tính năng bổ trợ khác mà sản phẩm có thể mang lại. Các sản phẩm nguyên vật liệu chống ngày nay đều được các nhà sản xuất tích hợp đa tính năng.

Điều này giúp chủ nhà tiết kiệm chi phí và thợ thi công tính toán quy trình chống thấm cụ thể cho từng góc cạnh của công trình xây dựng.

Các công năng tuyệt vời khác mà vật liệu chống thấm nhà vệ sinh có thể có, đó là: Ngăn chặn sự xâm nhập hơi ẩm, tăng cường khả năng chống cong vặn, làm liền các khe nứt,..

Đọc thêm:

IV. Quy trình chống thấm nhà vệ sinh

Mặc dù công đoạn chống thấm nhà vệ sinh hoàn toàn thuộc về đội kỹ thuật, bạn vẫn nên nắm rõ những bước cơ bản để có sự giám sát kỹ càng hơn, cho ra thành quả đáng mong đợi.

Quy trình chống thấm nhà vệ sinh bao gồm 3 bước cơ bản

Quy trình chống thấm nhà vệ sinh bao gồm 3 bước cơ bản

Một quy trình chống thấm nhà vệ sinh cần phải đạt chuẩn từ khâu xử lý khu vực hộp kỹ thuật hoặc cổ ống thoát nước, sau đó là xử lý chân tường bao quanh và cuối cùng, xử lý chống thấm cho bề mặt sàn.

1. Xử lý chống thấm hộp kỹ thuật và cổ ống thoát nước nhà vệ sinh

Đây là hai khu vực trực tiếp dẫn nước, nên quá trình xử lý cần diễn ra không khéo và cẩn thận. Muốn chống thấm nhà vệ sinh triệt để, gia chủ cần đầu tư ngay từ bước đầu tiên này.

Trước hết, bạn hãy đục tẩy miệng các cổ ống theo hình miệng loa, rửa sạch miệng cổ ống bằng nước sạch và chèn kín cổ cống. Nguyên liệu cần là phụ gia chống thấm trộn với xi măng và nước sạch để xử lý phần miệng ống và cổ ống.

Sau đó, bạn sử dụng loại vữa tự chảy không co ngót trộn với nước sạch và đổ quanh cổ ống. Việc làm này giúp cổ ống tránh bị nứt.

Thợ thi công công trình phụ tại chung cư

Thợ thi công công trình phụ tại chung cư

2. Xử lý chân tường bao quanh nhà vệ sinh

Chân tường bao quanh nhà vệ sinh là vị trí hết sức quan trọng, nếu bị thấm sẽ dẫn đến lây ra toàn bộ khu vực tường bao, ảnh hưởng đến toàn bộ công trình nhà ở của bạn.

Sử dụng hỗn hợp cát + xi măng để trát bo dốc chân tường. Nếu sàn cần lấy cốt gạch thì không cần trát dốc quá mà chỉ cần sàn và tường phẳng, sao cho lưới thủy tinh chân không bị gập và gồ ghề.

Tiếp đến, dùng phụ gia chống thấm trộn với xi măng và nước sạch để tiến hành thi công lưới thủy tinh dán gia cố chân tường.

Cách thi công lưới thủy tinh ngắn gọn như sau: Quét một lớp chống thấm lỏng rồi trải lưới thủy tinh lên trên, cuối cùng phủ thêm một lớp chống thấm lên trên.

Sàn nhà vệ sinh nên sử dụng các hợp chất dạng thẩm thấu

Sàn nhà vệ sinh nên sử dụng các hợp chất dạng thẩm thấu

3. Xử lý bề mặt sàn nhà vệ sinh

Đây là bộ phận chiếm nhiều diện tích nhất trong công trình phụ. Để việc chống thấm mang lại kết quả tốt nhất, nên sử dụng các hợp chất chống thấm dạng thẩm thấu.

Phun toàn bộ sàn, chân tường bằng chất chống thấm thẩm thấu gốc nước với định mức 0,5 lít/ m2.

Ở bước này có thể sử dụng kết hợp với lưới thủy tinh gia cường nhằm tăng cao hiệu quả chống thấm.

4. Hoàn thiện bề mặt sàn vệ sinh

Bước cuối cùng này yêu cầu các loại vữa chống thấm tạo màng đàn hồi 2 thành phần để quét hoàn thiện.

Đối với phần chân tường, cần lưu ý quét cao 30-50cm, quét thế nào để lớp sau vuông góc với lớp trước để tránh lỗ mọt bọt khí.

Khâu chống thấm tốt đem lại giá trị sử dụng tuyệt vời

Khâu chống thấm tốt đem lại giá trị sử dụng tuyệt vời

5. Tổng kết

Ta kết luận những vật liệu chống thấm nhà vệ sinh được sử dụng xuyên suốt trong quá trình, đó là:

Để chống thấm hộp kỹ thuật và cổ ống sử dụng phụ gia chống thấm: CT-11B, CCP Latex HC hoặc Sika Latex TH.

Để chống thấm chân tường sử dụng phụ gia chống thấm và lưới thủy tinh gia cường.

Nếu muốn chống thấm bề mặt sàn vệ sinh thì nên sử dụng hợp chất chống thấm thẩm thấu Water Seal DPC hoặc chất chống thấm nhà vệ sinh tương đương.

Cuối cùng, hoàn thiện công tác chống thấm bằng vữa chống thấm tạo màng đàn hồi 2 thành phần gốc xi măng: Mortar R hoặc Sika Top Seal 107.

Đọc thêm:

  • 15+ mẹo khử mùi hôi nhà bếp hiệu quả không phải ai cũng biết

Có thể nói, việc chọn mua được sản phẩm vật liệu chống thấm nhà vệ sinh phù hợp đã khó khăn rồi, quy trình thực hiện việc chống thấm cũng không hề dễ dàng gì. Cùng với lượng kiến thức bài viết vừa cung cấp, bạn đọc vẫn nên tham khảo ý kiến từ phía chuyên gia hoặc kiến trúc sư để có thể đưa ra quyết định sáng suốt nhất cho công trình nhà ở của mình.