X
Card image cap

Nét độc đáo trong kiến trúc nhà Rông

Pham Hanh 2020-05-13

Nhà Rông được biết đến với những kiến trúc độc đáo, mới lạ và góp phần làm nên bản sắc riêng của Tây Nguyên. Nhà Rông được xem là cả một tác phẩm nghệ thuật lớn bao gồm điêu khắc, hội họa, trang trí, … Trong bài viết dưới đây Nhà đẹp 9houz sẽ cùng các bạn tìm hiểu về loại hình nhà Rông độc đáo này.

Nét độc đáo trong kiến trúc nhà Rông

Nét độc đáo trong kiến trúc nhà Rông

I. Nhà Rông - biểu tượng văn hóa cộng của Tây Nguyên

Cũng giống  như những ngôi đình làng Việt, nhà rông được xem là nơi diễn ra toàn bộ những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở vùng đất Tây Nguyên, nhà rông cũng chính là trụ sở của bộ máy quản lý và cai trị buôn làng, đây cũng  là nơi để người dân sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, và làm nhà khách khi có khách quý đến với buôn làng … Với giá trị sâu sắc hơn thì đây là nơi diễn ra những lễ hội tâm linh cộng đồng, là nơi mà các thế hệ già làng truyền đạt và dạy dỗ cho những thế hệ trẻ về những nét văn hóa truyền thống lâu đời của buôn làng  để các thế hệ tiếp tục lưu truyền và gìn giữ.

Đọc thêm:

Nhà Rông là nơi quan trọng của dân tộc Tây Nguyên

Nhà Rông là nơi quan trọng của dân tộc Tây Nguyên

Người Tây Nguyên thường tin rằng nhà Rông chính là nơi tụ khí thiêng của đất trời để bảo vệ dân làng, vì vậy mà ở mỗi nhà rông đều có một nơi thiêng liêng để thờ các vật thiêng, có thể là một con dao, hòn đá, chiếc sừng trâu, … Nhà rông là nơi quan trọng của người Tây Nguyên không chỉ về giá trị vật chất mà đây còn là nơi ẩn chứa những tầng văn hóa tâm linh rất bền vững của người dân nơi đây. Không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh, nhà rông còn chính là  máu, là mồ hôi, là những chiến tích vẻ vang, và cũng là cả những nguyện vọng cao cả của con người trước thiên nhiên, đất trời. Theo các già làng thì nhà Rông chính là thước đo để đánh giá sự hùng mạnh, giàu có của một bản làng ở vùng đất Tây Nguyên.

Nhà Rông là nơi tụ khí thiêng của đất trời

Nhà Rông là nơi tụ khí thiêng của đất trời

Nhà Rông còn là nơi diễn ra các lễ hội văn hóa cộng đồng vào các dịp lễ tết, nơi để tiếp đón những vị khách quý từ xa về thăm buôn làng. Nhà rông còn là nơi để họp bàn của các già làng, nơi giải quyết các vụ kiện tụng, hay những tranh chấp liên quan đến cuộc sống cộng đồng. Đặc biệt đây còn là địa điểm để kết duyên, là nơi nơi các đôi nam nữ có thể đến để gặp gỡ, tỏ tình và nên duyên vợ chồng.

Nhà rông là nơi đón tiếp khách quý đến buôn làng

Nhà rông là nơi đón tiếp khách quý đến buôn làng

Nhà rông còn được xem là linh hồn của cả buôn làng, là nơi tụ khí thiêng của đất trời, sông núi, nơi lưu giữ những giá trị thiêng liêng của buôn làng. Buôn làng có nhà rông như được tiếp thêm sức mạnh, sức sống mạnh mẽ. Nhà rông còn là nơi bao quát mọi tinh hoa văn hóa sáng tạo của con người trong môi trường sinh thái tự nhiên, vừa hùng vĩ vừa mang trong mình những yếu tố tâm linh, là biểu hiện của văn hóa rừng và sự gắn kết giữa cộng đồng dân làng với thiên nhiên. Đối với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên thì “dân tộc - làng - nhà rông” có mối quan hệ không thể tách rời nhau, cũng giống như dân tộc người Kinh gắn liền với những hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình.

Nhà rông chính là linh hồn của cả buôn làng

Nhà rông chính là linh hồn của cả buôn làng

Nhà Rông có vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nó vừa có giá trị văn hóa vật thể, lại vừa có giá trị văn hóa phi vật thể.

II. Đặc điểm trong kiến trúc và kết cấu nhà Rông

1. Vị trí xây dựng nhà Rông

Theo truyền thống thì việc xây dựng nhà Rông phải được tiến hành theo nghi thức một cách trang trọng. Khi chuẩn bị làm nhà thì già làng tụ tập tất cả những người tài giỏi nhất trong làng để hội bàn. Họ dành rất nhiều thời gian để họp bàn và quyết định nơi xây dựng nhà rông và các chi tiết kết cấu nhà Rông Tây Nguyên.

Những người già làng sẽ họp bàn để thiết kế nhà rông

Những người già làng sẽ họp bàn để thiết kế nhà rông

Vị trí để xây dựng nhà rông phải cao ráo, thoáng mát vào mùa nắng và ấm áp, sạch sẽ vào mùa mưa, bên cạnh đó nhà rông phải được xây dựng ở nơi trung tâm của làng, từ các con đường phía xa phải nhìn thấy được nhà rông.

Khu đất này phải bằng phẳng và có diện tích lớn để có thể tập trung số lượng người nhiều hơn gấp 2,3 lần số người dân trong làng. Tùy vào địa hình, điều kiện kinh tế và tài năng của những người đứng đầu mỗi làng mà nhà rông được xây dựng lớn hay nhỏ, cao hay thấp và mang đặc trưng thẩm mỹ riêng của từng khu vực, buôn làng.

Vị trí xây dựng nhà rông ở trung tâm của làng

Vị trí xây dựng nhà rông ở trung tâm của làng

2. Hình dáng, kích thước nhà rông

Khi đến với những buôn làng ở Kon Tum, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy những mái nhà rông cao vút, nổi bật giữa trung tâm của buôn làng. Nhiều người thường ví von mái nhà rông giống như những cánh buồm no gió, nhưng nó lại gần gũi hơn với hình ảnh của lưỡi rìu, lưỡi búa trong kết cấu của nhà rông Tây Nguyên, những mái nhà rông được cấu trúc theo hình elip để tránh sức cản của gió.

Mái nhà rông được kết cấu theo hình elip để tránh sức cản của gió

Mái nhà rông được kết cấu theo hình elip để tránh sức cản của gió

Đặc điểm kết cấu nhà rông Tây Nguyên về chiều cao thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kiến trúc của mỗi dân tộc, buôn làng, tỷ lệ cân đối với chiều rộng, thể hiện sự quyền uy và sức mạnh của buôn làng, … do đó mà nó không có cố định. Tuy nhiên tính từ mặt đất đến nóc nhà rông thường dao động từ 8-20m, phổ biến nhất là 15-16m, cao nhất là 30m. Nhà rông có chiều dài khoảng 10m và chiều rộng hơn 4m là phổ biến nhất.

Dựa vào chiều cao của nhà rông thì chúng ta có thể phân loại ra hai loại là nhà Rông trống và nhà Rông mái.

Có hai loại nhà Rông phổ biến

Có hai loại nhà Rông phổ biến

3. Đặc điểm vật liệu xây dựng

Khi xây dựng nhà rông Tây Nguyên thì thường không sử dụng những loại vật liệu như sắt thép. Vì nhà rông có nguồn gốc từ lâu đời nên vật liệu để xây dựng nhà rông chủ yếu xuất phát từ tự nhiên như tre, gỗ, nứa, cọ, … Cột nhà là những thân gỗ to, là những loại gỗ tốt như gỗ trắc, gỗ hương, … để đảm bảo độ bền của nhà, cũng như hạn chế nhà không bị mối mọt, mục rỗng, nhất là phần chân ngập đóng sâu dưới mặt đất. Mái ngói thì thường sử dụng mái cỏ tranh lập thành nhiều lớp dày.

Nhà rông chỉ sử dụng vật liệu truyền thống để xây dựng

Nhà rông chỉ sử dụng vật liệu truyền thống để xây dựng

Tuy nhiên, với sự khan hiếm của những vật liệu truyền thống thì việc sử dụng vật liệu thay thế để xây dựng nhà rông đang dần trở nên phổ biến.

4. Đặc điểm kết cấu nhà rông Tây Nguyên

Tính đa năng trong kiến trúc của mỗi dân tộc Tây Nguyên còn phụ thuộc nhiều vào kết cấu của ngôi nhà. Nhà rông không sử dụng sắt thép để xây dựng, các chỗ nối chắp đều được chặt đẽo cẩn thận rồi dùng sung mây hay lạt tre để buộc. Từng mối buộc của mỗi dân tộc cũng sẽ khác nhau.

Không sử dụng sắt thép để xây dựng nhà rông

Không sử dụng sắt thép để xây dựng nhà rông

Khung nhà rông cao vút chịu lực bởi 8 cây cột to làm bằng gỗ quý. Kết cấu nhà rông với các cột liên kết với nhau theo thể thức cột và kèo. Phần chân đế gồm 10 đến 14 cột nâng đỡ toàn bộ sàn và mái nhà, gồm có 8 cột chính và 2 đến 6 cột phụ đặt ở cầu thang.

Sàn nhà rông thường được ghép bằng những tấm đan bằng tre lồ ô, nứa hoặc cây giăng. Giữa nhà sẽ có một hàng lan can chạy dọc. Đây là nơi đặt những ché rượu khi tổ chức lễ hội. Trên sàn, ở hai đầu của nhà rông đặt hai bếp lửa để thuận tiện khi có lễ hội cũng như sưởi ấm được căn nhà vào những đêm đông giá rét.

Kết cấu của nhà rông vô cùng đặc sắc

Kết cấu của nhà rông vô cùng đặc sắc

III. Sử dụng vật liệu thay thế trong nhà rông văn hóa

Bắt nguồn từ những khó khăn trong việc tìm kiếm những vật liệu truyền thống, khoảng giữa những năm 90 của thế kỉ XX, ở Kon Tum bắt đầu xuất hiện những nhà rông được xây dựng bằng vật liệu bê tông, có mái lợp tôn và sử dụng đinh sắt. Đến hiện nay, việc sử dụng những loại vật liệu này để xây dựng, sửa chữa nhà rông đã trở nên rất phổ biến ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh.

Nhà rông sử dụng những loại vật liệu thay thế

Nhà rông sử dụng những loại vật liệu thay thế

Tuy nhiên xung quanh vấn đề sử dụng vật liệu thay thế để xây dựng nhà rông đã làm nảy sinh ra nhiều luồng ý kiến trái chiều khác nhau. Nhiều người cho rằng việc sử dụng vật liệu thay thế đã làm mất đi sự ấm cúng, gần gũi của nhà rông truyền thống, yếu tố tâm linh, vẻ đẹp độc đáo của nhà rông cũng dần trở nên phai nhạt trong tâm thức người dân. Vì vậy mà việc xây dựng nhà rông chỉ nên sử dụng những vật liệu truyền thống để có thể phát huy hiệu quả.

Có ý kiến nhà Rông đang dần bị mất đi nét đặc sắc

Có ý kiến nhà Rông đang dần bị mất đi nét đặc sắc

Ý kiến trên không sai, nhưng chúng ta đều biết việc sử dụng vật liệu xây dựng thay thế không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự việc trên.

Vật liệu xây dựng thay thế được xem là những thành tựu khoa học kỹ thuật của thời đại này, rất cần được áp dụng vào trong cuộc sống. Nó mang lại những ưu điểm vượt trội như độ bền cao, chống cháy nổ tốt, nguồn cung lớn, vận chuyển dễ dàng, thi công đơn giản và có thể thoải mái sáng tạo. Bên cạnh đó, thời gian thi công nhanh chóng hơn nên ít phải huy động sự đóng góp của cộng đồng. Với những lý do trên mà việc xây dựng nhà rông bằng các vật liệu thay thế càng trở nên phổ biến hơn ở nhiều địa phương và buôn làng.

Vật liệu thay thế có những ưu điểm vô cùng vượt trội

Vật liệu thay thế có những ưu điểm vô cùng vượt trội

Hiện nay cũng có rất nhiều công trình được xây dựng bằng vật liệu thay thế nhưng sự uy nghi, lộng lẫy, hùng vĩ của nó không hề bị mất đi mà còn được nâng cao lên rất nhiều. Ngay cả những ngôi biệt thự, nhà ở của người dân xung quanh cũng đâu có sử dụng những vật liệu truyền thống nhưng vẫn rất độc đáo, tráng lệ. Vì vậy, mà việc xây dựng nhà rông bằng vật liệu thay thế không làm mất đi sự uy nghi, tráng lệ, hùng vĩ , gần gũi của nó.

Nhà rông được xây dựng bằng vật liệu thay thế nhưng không bị mất đi vẻ đẹp hoành tráng

Nhà rông được xây dựng bằng vật liệu thay thế nhưng không bị mất đi vẻ đẹp hoành tráng

Vấn đề cần quan tâm ở đây là phải khắc phục ngay tình trạng ứng dụng cẩu thả, thô cứng, tùy tiện. Tất cả cần được tính toán một cách phù hợp, chú trọng về cảm xúc, nhấn mạnh vào đặc trưng của nhà rông và mối liên hệ gắn kết chặt chẽ với môi trường tự nhiên của cộng đồng.

Những trụ cột bê tông được trau chuốt tỉ mỉ, cẩn thận, các chi tiết lắp ghép sắc sảo, tinh tế không thể thua kém một cột gỗ bình thường. Mái tôn lạnh với màu sắc phù hợp, những bức tường cầu thang, cột nhà tạo hình trên chất liệu bê tông hay đá cũng rất dễ tạo hình và mang lại sự sống động cho công trình.

Xây dựng nhà rông bằng vật liệu thay thế cần phải trau chuốt, tỉ mỉ

Xây dựng nhà rông bằng vật liệu thay thế cần phải trau chuốt, tỉ mỉ

Như vậy, việc xây dựng nhà rông bằng vật liệu truyền thống hay vật liệu thay thế đều không nên cứng nhắc. Loại vật liệu nào cũng đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng của nó. Ở những vùng có điều kiện thuận lợi để khai thác những vật liệu truyền thống thì nên sử dụng vật liệu truyền thống để xây dựng nhà rông. Nhưng nếu ở những buôn làng không có thế mạnh về vật liệu truyền thống thì nên sử dụng vật liệu thay thế để xây dựng đơn giản hơn. Cách làm phổ biến hiện nay là kết hợp xây dựng cả vật liệu truyền thống và vật liệu thay thế.

Nên cân nhắc việc sử dụng vật liệu thay thế hay vật liệu truyền thống

Nên cân nhắc việc sử dụng vật liệu thay thế hay vật liệu truyền thống

Trong bài viết trên chúng tôi đã cung cấp đến các bạn những thông tin vô cùng bổ ích liên quan đến những điểm độc đáo và đặc trưng của nhà rông. Hy vọng qua bài viết trên các bạn sẽ có thêm hiểu biết về những nét độc đáo trong thiết kế nhà Rông- biểu tượng văn hóa của vùng đất Tây Nguyên cũng như những con người nơi đây.