X
Card image cap

Móng cốc và những điểm đặc biệt trong xây dựng

Nguyễn Đức Huy 2020-02-07

Móng (móng nền) là một phần quan trọng vì nó giúp nâng đỡ và quyết định cho sự bền vững của công trình. Có rất nhiều loại móng khác nhau nhưng tùy vào đặc điểm riêng của mỗi công trình hay mỗi địa hình khác nhau mà chúng ta sẽ lựa chọn loại móng nền phù hợp nhất. Trong bài viết này chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc một số thông tin tham khảo về móng cốc trong xây dựng các công trình.

I. Khái niệm và cấu tạo của móng cốc

Móng nhà là kết cấu kỹ thuật xây dựng nằm dưới cùng của nhà có tác dụng giúp công trình có tính ổn định để có thể chịu được sức ép của khối lượng của cả công trình.

1. Khái niệm móng cốc

Móng cốc là loại móng phổ biến được sử dụng rộng rãi trong thiết kế những công trình nhà ở dân dụng không yêu cầu quá nhiều về tải trọng, thường hay thấy ở những công trình có độ cao thiết kế từ 3 tầng trở xuống.

Móng cốc còn thường được gọi là móng trụ hay móng đơn.

2. Cấu tạo

Bản vẽ thiết kế móng cốc

Móng cốc có cấu tạo đơn giản, gồm các phần như sau:

- Giằng móng (đà kiểng): Là phần có tác dụng đỡ tường ngăn bên trên và làm giảm độ lún lệch giữa các móng công trình. Khi giằng móng được kết hợp làm dầm móng để làm giảm độ lệch tâm móng thì phải tính toán nó như một dầm trong thiết kế cầu khung

Cấu tạo móng cốc

- Cổ móng: Kích thước cổ móng có thể bằng với cột tầng trệt nhưng thường được mở rộng thêm mỗi phía 2,5cm để tăng lớp bê tông bảo vệ cốt thép trong cổ móng

- Móng (bản móng): Thường có đáy dạng chữ nhật, bị vát có độ dốc vừa phải, được tính toán để có kích thước hợp lý

- Lớp bê tông lót: 100, bê tông đá 4x6 hoặc bê tông gạch vỡ, vữa xi măng, có tác dụng làm sạch, phẳng hố móng, chống mất nước xi măng, ngoài ra nó còn làm ván khuôn để đổ bê tông móng

II. Phân loại

Có thể phân loại móng cốc (móng đơn) theo ba cách sau: 

a. Dựa vào đặc điểm của tải trọng: Chia làm 5 loại

-  Móng chịu tải trọng đúng tâm.

-  Móng chịu tải trọng lệch tâm.

-  Móng các công trình cao 

-  Móng thường chịu lực ngang lớn 

-  Móng chủ yếu chịu tải trọng thẳng đứng, moment nhỏ.

b.Dựa vào độ cứng của móng: phân thành 3 loại

- Móng tuyệt đối cứng (móng có độ cứng rất lớn và mức độ biến dạng rất nhỏ)

- Móng mềm (móng có khả năng biến dạng lớn)

- Móng cứng hữu hạn

c.Dựa vào cách chế tạo: phân thành 2 loại 

- Móng toàn khối (móng đổ tại chỗ).

- Móng lắp ghép (nhiều khối chế tạo sẵn ghép lại với nhau khi thi công)

III. Đặc điểm của móng cốc

Móng cốc là một loại thiết kế có tầm quan trọng trong các công trình vì móng chính là bước đầu tạo lập nền móng cho công trình sau này. Một số ưu-nhược điểm của móng cốc để bạn có thể xem xét và đưa ra lựa chọn khi thi công các công trình mà bạn không thể bỏ qua như là:

- Ưu điểm: Ưu điểm lớn nhất của loại móng cốc là giúp tiết kiệm chi phí vì chúng có cấu tạo và thiết kế đơn giản.

- Nhược điểm: Thông thường móng cốc hay được dùng cho cột các thiết kế  nhà dân dụng, nhà công nghiệp,… Vậy nên khi gặp trường hợp phải chịu tải trọng lớn cần mở rộng đáy móng thì ta phải đồng thời tăng cả chiều dài móng và chiều sâu chôn móng. 

Chính vì vậy mà móng cốc chỉ nên dùng trong trường hợp đất nền có sức chịu tải tốt và có tải trọng ngoài không lớn lắm.

 

IV. Quy trình thi công móng cốc 

1. Giai đoạn chuẩn bị và thi công

- Chuẩn bị: nhân công và các nguyên vật liệu đầy đủ sau đó đến công tác giải phóng mặt bằng.

Đóng cọc: Dựa trên từng thiết kế của mỗi công trình mà mật độ cọc được sắp xếp sao cho hợp lý. Việc đóng cọc sẽ đảm bảo hạn chế được sự sụt lún cho móng.

- Đào hố: Phần đất xung quanh các cọc được đào đúng theo kích thước của móng để tiến hành đổ bê tông, cần đảm bảo các số liệu đúng như bản thiết kế như là: mức độ nông sâu, độ rộng để đảm bảo móng đủ khả năng chịu tải trọng cần thiết.

Đào móng đơn bằng máy múc để tiến độ được nhanh hơn

- San phẳng mặt hố: Tiến hành san phẳng mặt hố, sao cho độ nông sâu đồng đều bằng cách sử dụng đầm tay hoặc thiết bị đầm chuyên dụng, có thể phủ đều một lớp đá để tạo độ bằng phẳng cho nền hố.

- Bê tông lót: Một lớp bê tông lót được triển khai có tác dụng nhằm tạo độ bằng phẳng cũng như hạn chế sự thấm hút của móng.

- Đổ móng: Sau khi thực hiện hoàn tất các công đoạn bước đầu chuyển sang cố định hệ thống khung thép và cốp pha rồi đổ bê tông hoàn thiện móng.

2. Lưu ý

Một số lưu ý khi thi công móng cốc mà bạn cần chú ý như là:

- Trong quá trình đổ bê tông cần chú ý sao cho không để hố bị ngập nước. Vì nếu như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng bê tông.

 - Sau khi tháo cốp pha cần phải theo dõi và bảo quản chất lượng móng cho đến khi thực hiện các công đoạn tiếp theo của quá trình thi công hoàn thiện công trình.

Trên đây là một số thông tin tham khảo về móng cốc trong xây dựng công trình chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc. Qua bài viết này mong quý bạn đọc có thể đúc rút được những thông tin quý giá về móng cốc để có thể áp dụng cho các công trình của mình!