X
Card image cap

Kinh nghiệm thi công móng nhà đảm bảo chất lượng

Hoàng Thu Phương 2020-02-07

Trong xây dựng nhà ở thì yếu tố quan trọng đầu tiên mà các gia chủ luôn lưu tâm đến chính là móng nhà và độ vững chắc của móng. Nhưng mỗi kiểu nhà lại có kiểu móng khác nhau và móng nhà được xây còn dựa vào độ dẻo của từng loại đất. Vì thế thiết kế móng nhà khiến nhiều gia chủ còn nhiều phân vân, khúc mắc. Sau đây bài viết của Nhà đẹp 9houz sẽ chia sẻ đến các bạn những kinh nghiệm quý báu trong xây dựng móng, hãy tham khảo nhé!

 

I. Móng nhà là gì?

Móng nhà hay còn gọi là móng nền là phần nằm dưới cùng trong kết cấu kỹ thuật xây dựng, nó trực tiếp đảm nhiệm chức năng chịu sức ép của những cả ngôi nhà hay công trình xây dựng.

Nền móng là phần nằm dưới đáy móng chịu phần lớn trọng tải của công trình đè xuống, được chôn sâu và kỹ. Móng là yếu tố quan trọng đầu tiên trong bất kỳ công trình nào vì nó đảm bảo độ bền, kiên cố và là nền tảng nâng đỡ của cả công trình hay nhà ở.

Ngôi nhà đang trong giai đoạn làm móng

Ngôi nhà đang trong giai đoạn làm móng

Móng nhà giống như những chân đế với kích thước và hình dạng khác nhau tùy theo tính chất của khu đất và độ cao, tải trọng của các tầng bên trên.Bên cạnh đó nền đất mềm, xốp thì có kết cấu móng cũng khác so với nền đất rắn và cao.

Đọc thêm:

II. Các loại móng nhà

Các loại móng nhà cơ bản

1. Phân loại theo vật liệu

Thông thường xây móng được sử dụng các loại vật liệu như sau: Gạch, đá hộc, đá, bê tông, bê tông cốt thép, …và đặt tên móng đó luôn theo vật liệu xây dựng.

a. Móng gạch

Là loại móng được xây từ chất liệu gạch dùng cho các công trình có trọng tải, kích thước nhỏ, nền đất rắn, vững và ở nơi đó có mực nước ngầm sâu.

Móng nhà được xây từ vật liệu gạch

Móng nhà được xây từ vật liệu gạch

b. Móng đá hộc

Là loại móng có cường độ lớn được xây dựng từ đá hộc dành cho những công trình có kích thước khá lớn, những nơi có sẵn nguyên vật liệu như các vùng núi, nơi khai thác đá hay ở những khu đất xốp, dẻo.

Nền móng được xây dựng từ vật liệu đá hộc

Nền móng được xây dựng từ vật liệu đá hộc

c. Móng gỗ

Là loại móng ít được sử dụng, nó được làm từ nhiều cọc gỗ hoặc tre, có cường độ nhỏ, tuổi thọ ít thường sử dụng cho những công trình tạm thời, hay xử lý đất yếu.

Móng làm từ cọc gỗ, cọc tre

Móng làm từ cọc gỗ, cọc tre

d. Móng thép

Loại móng được làm từ thép nhưng ít được sử dụng trong những công trình vì chất liệu thép thường bị gỉ do nước trong đất và nước xâm thực.

Nền móng làm từ vật liệu thép

Nền móng làm từ vật liệu thép

e. Móng bê tông và bê tông cốt thép

Là loại móng được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, có cường độ cao, tuổi thọ dài, chi phí không quá đắt đỏ và cần đặt tiêu chuẩn bê tông Mác 200.

Móng nhà làm từ chất liệu bê tông cốt thép

Móng nhà làm từ chất liệu bê tông cốt thép

2. Phân loại theo cách chế tạo móng

Theo cách phân loại này người ta chia ra làm loại là móng đổ toàn khối và móng lắp ghép.

a. Móng đổ toàn khối

Loại móng được các kiến trúc sư tin tưởng sử dụng rộng rãi, có độ bền, chắc vô cùng cao, thường được làm từ vật liệu đá hộc, bê tông và bê tông cốt thép.

Móng đổ toàn khối từ bê tông cốt thép

Móng đổ toàn khối từ bê tông cốt thép

b. Móng lắp ghép

Là loại  móng được làm từ trước đó với các kết cấu có sẵn và chỉ cần mang đến công trình lắp ghép lại. Loại móng này được cơ giới hóa, chất lượng tốt, độ bền cao nhưng ít được sử dụng do khó khăn trong quá trình vận chuyển.

Móng lắp ghép có chất lượng tốt nhưng ít được sử dụng

Móng lắp ghép có chất lượng tốt nhưng ít được sử dụng

3. Phân loại theo đặc tính tác dụng của tải trọng

Dựa vào đặc tính tác dụng của tải trọng mà người ta phân thành 2 loại móng là móng chịu tải trọng tĩnh và móng chịu tải trọng động.

a. Móng chịu tải trọng tĩnh

Là loại móng sử dụng khá phổ biến trong xây dựng nhà ở như: nhà ống đẹp, các công trình trường học, bệnh viện,..

Công trình được xây dựng với móng chịu trọng tải tĩnh

Công trình được xây dựng với móng chịu trọng tải tĩnh

b. Móng chịu tải trọng động

Là loại móng thường sử dụng cho những công trình như móng công trình cầu, trục cầu,...

Móng cầu là móng chịu trọng tải động

Móng cầu là móng chịu trọng tải động

4. Phân loại theo phương pháp thi công

a. Móng nông

Là loại móng thường được sử dụng cho các công trình có trọng tải nhỏ trên nền đất tương đối tốt. Trong móng nông gồm các loại móng sau:

  • Móng đơn: Được sử dụng làm móng, bệ đỡ dưới những chân cầu hay cột điện,... thường đứng một mình và chịu lực trung bình.

Móng đơn được sử dụng làm chân đế cột trụ cầu

Móng đơn được sử dụng làm chân đế cột trụ cầu

  • Móng băng: Được thiết kế dưới dạng dải, chịu lực trung bình dùng để đỡ tường hoặc hàng cột. Móng có chiều sâu từ 2-3m, có sức chịu lực tốt. Thông thường đào móng băng chúng ta đào quanh song song với nhau.

Móng băng được xây dưới tường chịu lực

Móng băng được xây dưới tường chịu lực

  • Móng bản (Móng bè): Thường được xây dựng trong công trình nhà ở trên nền đất yếu hoặc các công trình có tầng hầm. Loại móng này được xây dựng nhằm giảm áp lực của công trình lên nền đất.

Móng bản thường xuất hiện trong công trình xây nhà ở

Móng bản thường xuất hiện trong công trình xây nhà ở

b. Móng sâu

Loại móng thường được sử dụng cho các công trình có tải trọng lớn trên nền đất tốt.

Móng sâu bao gồm cả cọc và đài cọc nó dùng để truyền tải trọng của công trình xuống lớp đất tốt nằm ở dưới sâu. Cọc và đài cọc được đóng xuống các tầng đất sâu để tăng sức chịu cho móng. Thông thường cọc tre được sử dụng nhiều hơn vì trên cơ bản đã được xây dựng trên nền đất tốt.

Móng cọc được mô phỏng trong thiết kế

Móng cọc được mô phỏng trong thiết kế

Đọc thêm:

III. Quy trình làm móng nhà

Quy trình làm móng nhà 2 tầng

1. Quy trình làm móng nhà

  •  Thiết kế

Đối với nhà cao tầng thông thường sẽ dùng móng cọc khoan nhồi, đường kính cọc phổ biến từ 0.8m đến 1.4m. Còn đối với nhà nhiều tầng như các chung cư đẹp có chiều cao trên 30 tầng, thì dùng móng cọc Barét. Đầu cọc phải cắm vào tầng đất tốt, chắc để có thể chịu được áp lực lớn của trọng tải cả công trình. Còn đài cọc phải có chiều dày lớn hơn 2 lần đường kính cọc khoan nhồi hoặc 2 lần chiều rộng cọc Barét.

Ngoài việc tính toán trọng tải cả công trình và sức chịu lực của cọc bằng lý thuyết thì bạn nên dựa vào kết quả khảo sát địa chất công trình, độ mềm, rắn của khu vực thi công và thí nghiệm sức chịu tải của cọc tại hiện trường.

Ngoài ra nếu bạn dùng tường trong đất, thì đây là kết cấu vĩnh viễn, có độ chắc cao và chịu được áp lực lớn. Tường trong đất là loại kết cấu bê tông cốt thép có chiều dày từ 0,6m đến 1,5 m. Và lưu ý tường trong đất phải chống được vào tầng đất sét có trạng thái cứng hoặc dẻo cứng.

Quá trình thi công làm móng nhà

Quá trình thi công làm móng nhà

  • Thi công

Trong quá trình thi công cần đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng đặc biệt là tầng hầm nhà cao tầng. Nên thuê tư vấn và thẩm tra biện pháp thi công tầng hầm. Xây dựng thiết kế kỹ thuật thi công và biện pháp thi công tầng hầm nhà cao tầng, bảo vệ hố đào sâu để đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận. Nên điều tra, nghiên cứu kỹ về thực trạng các công trình lân cận, nhất là phần nền móng của công trình đang thi công và các khu vực lân cận để có biện pháp hiệu quả. Quan sát kỹ lưỡng để đảm bảo cho kết cấu bảo vệ hố đào sâu, cho kết cấu nền móng, cho tầng hầm và cả công trình được an toàn, chịu lực tốt, ổn định, có tuổi thọ dài.

2. Lưu ý trong quy trình làm móng nhà cần biết

a. Khảo sát địa chất kỹ càng

Đây là một khâu quan trọng trước khi xây dựng bất cứ một công trình nào mà bạn chắc chắn không thể bỏ qua. Thông thường các nhà thầu sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát địa chất khu xây dựng xem các vấn đề về chất đất, điều kiện nền đất để tránh các rủi ro về sụt, lún, nở trong quá trình thi công cũng như đảm bảo độ bền của cả công trình xây dựng, từ đó đề ra những phương án xây dựng mang lại hiệu quả kinh tế.

Khảo sát, đo đạc trước khi vào giai đoạn thi công

Khảo sát, đo đạc trước khi vào giai đoạn thi công

Yêu cầu để xây dựng được công trình có thể tồn tại và sử dụng với thời gian dài thì loại đất đẻ thích hợp làm móng cần khô ráo, kiên cố và tránh tình trạng nghiêng lún. Vì thế gia chủ cần khảo sát chất đất kỹ càng trước khi đi vào xây dựng, tránh xây móng ở những nơi có mực nước quá cao, gây ẩm thấp và hạn chế ô nhiễm nguồn nước.

b. Lựa chọn loại móng phù hợp

Việc lựa chọn loại móng thích hợp cũng chính là yếu tố quyết định đến chất lượng công trình nhà ở. Để tìm hiểu về loại móng tương ứng với kiểu nhà cần xây dựng thì gia chủ cần bàn bạc với nhà thầu để đưa ra phương án đối cho loại móng phù hợp nhất vừa tối ưu hóa chức năng móng vừa tiết kiệm chi phí xây dựng.

c. Đảm bảo quá trình thi công

Xây móng nhà là bước đầu tiên để làm một ngôi nhà nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng vì móng chịu lực, sức ép, đè bởi cả ngôi nhà. Nếu trong khi xây dựng móng không đảm bảo chất lượng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như sụt, lún,.. làm hỏng nguyên cả một công trình. Vì thế các gia chủ cần giám sát, tính toán khoa học, đảm bảo quá trình thi công để có một móng nhà chất lượng tốt nhất.

d. Lựa chọn nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng

Trong quá trình xây móng thì việc lựa chọn nguyên vật liệu xây góp phần đảm bảo chất lượng của cả công trình. Việc lựa chọn chất liệu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền đất, kinh phí gia chủ,... lời khuyên cho các bạn nên ưu tiên chọn mua những loại vật liệu tốt để tránh bị chủ thầu cắt xén và tránh các hệ lụy ảnh hưởng đến chất lượng của cả ngôi nhà.

Chất liệu xây móng nhà ưu tiên loại tốt

Chất liệu xây móng nhà ưu tiên loại tốt

e. Lựa chọn nhà thầu kinh nghiệm

Hiện nay, lĩnh vực xây dựng rất phát triển, có nhiều đơn vị nhà đầu được mở ra đáp ứng được cả chất lượng lẫn giá cả hợp lý. Do vậy, các chủ nhà càng khó lựa chọn hơn trong quyết định bàn giao công trình nhà ở của mình cho họ thi công. Chính vì thế, các bạn cần tìm hiểu kỹ các thông tin của các nhà thầu cũng như tham khảo các ý kiến đánh giá của các khách hàng đã sử dụng dịch vụ trước đó và lắng nghe các chuyên gia thẩm định chất lượng về xây dựng để đưa ra quyết định cho nhà thầu phù hợp.

f. Giám sát quá trình thi công

Tuy đã giao cho nhà thầu toàn quyền xây dựng nhà ở của mình nhưng gia chủ cần thường xuyên theo dõi, giám sát tiến trình thi công và có những nhắc nhở, điều chỉnh kịp thời để chất lượng công trình được đảm bảo.

Đọc thêm:

IV. Cách đan sắt móng nhà

1. Cách bố trí sắt thép sàn 2 lớp

Theo các chuyên gia xây dựng, sắt thép đan làm móng nhà được bố trí 2 lớp, lớp trên và lớp dưới. Lớp dưới chịu lực mô mem âm, lớp trên chịu mô mem dương. Thép chịu lực được bố trí làm thép lớp dưới, được bố trí vuông góc với thép chịu lực dọc theo phương còn lại.

Thép lớp trên được đặt vuông góc với thép mũ và nằm dưới thép mũ.

Khi thi công thì buộc trước lớp thép dưới để cố định, sau khi buộc xong con kê và tạo lớp bê tông bảo vệ cho sàn, giữa 2 lớp thép phải được buộc bằng chốt “chân chó” phân cách để đảm bảo chiều cao của sàn như tính toán.

Mặt bằng đan sắt làm móng nhà

Mặt bằng đan sắt làm móng nhà

Tuy nhiên, trên thực tế thường được áp dụng với những nhà dân hay  công trình nhỏ, các công trình eo hẹp về kinh phí, do đó phải cắt sắt khiến cho việc thi công gặp khó khăn về tiến độ và hơi khó triển khai khi thi công.

Thực tế thì người ta sẽ bố trí 2 lớp sắt thép sàn chạy song song, dễ thi công, không phải cắt nhiều lần, dễ kiểm soát khối lượng và đảm bảo tiến độ thi công.

Thực tế thì sắt làm móng được đan như trên

Thực tế thì sắt làm móng được đan như trên

2. Một số lưu ý trong công tác đan sắt móng nhà trước khi đổ bê tông

Đa phần các công trình ở Việt Nam thì công việc đan sắt làm móng nhà khá sơ sài và đơn giản vì một phần do bên nhà thầu cắt xén nguyên vật liệu, một phần do các gia chủ không biết kỹ thuật và giám sát chưa được sát sao.

a. Cục kê

Cục kê là cục bê tông có kèm dây kẽm để buộc vào cốt thép để tránh xê dịch và di chuyển. Thế nhưng trên thực tế thi công bên ngoài thì họ thường sử dụng viên gạch hoặc đá kê có kích thước nhỏ là sai kỹ thuật. Vì kích thước của cục kê nhỏ nên chỉ có thể định vị nhất thời cho cốt thép dầm sàn.

Thực tế thì sắt làm móng được đan như trên

Sơ đồ mô tả cục kê đúng kỹ thuật

b. Sắt kê mũ (Chân chó)

Sắt kê mũ  hay còn gọi là chân chó có tác dụng tạo nên lớp bê tông bảo vệ của sắt mũ chụp theo đúng như kỹ thuật  thiết kế và tạo nên khoảng hở giữa 2 lớp thép trên và dưới. Nhưng trên thực tế thì trong quá trình thi công ta rất ít nhìn thấy được thép kê mũ ở nhiều công trình nhà ở dân dụng do các nhà thầu chủ quan mà cắt xén tiến độ. Họ cho không có ảnh hưởng gì nếu thiếu sắt kê mũ cả.

Sắt kê mũ có tác dụng tạo nên lớp bê tông bảo vệ theo đúng thiết kế

Nhưng đối với các sàn nhỏ, tải trọng tác dụng lên sàn không quá lớn có thể là không sao nhưng đối với các ô sàn lớn thì việc xuất hiện các vết nứt tại các gối dầm là điều không thể tránh khỏi.

Đọc thêm: 

V. Kết cấu móng cho nhà 2 tầng

1. Các loại móng phù hợp với thiết kế nhà 2 tầng

Tùy vào kết cấu và khả năng chịu trọng tải mong muốn của mỗi gia chủ mà chúng ta sẽ lựa chọn những loại móng nhà phù hợp. Nhưng dựa theo tính phổ biến và nhu cầu thực tế mà được chia ra thành 4 loại móng nhà 2 tầng điển hình đó là: Móng băng, móng cọc, móng bè, móng đơn.

a. Móng băng

Hiện nay, móng băng đang được sử phổ biến cho nhà 2 tầng. Loại móng này có chiều dài lớn hơn chiều rộng và thường được dưới nhà, dưới dãy cột cho nhà 2 tầng.

Móng băng được sử dụng nhiều vì có những ưu điểm vượt trội như chịu lún đều, dễ thi công và được xây dựng trên nền địa chất kém.

Các bạn nên chọn chiều cao dầm móng cho nhà 2 tầng điển hình bằng 1/10 so với chiều dài của nhịp lớn nhất.

b. Móng cọc

Móng cọc trong nhà 2 tầng được đặt trên đầu các cọc và nhóm cọc liên kết với đài và giằng tạo thành một khối vững chắc. Loại móng này được dùng cho những địa hình phức tạp, hay những chất đất yếu,...

Số lượng cọc chọn làm móng phụ thuộc vào trọng tải truyền vào đầu mỗi cọc và độ sâu chôn móng.

Móng cọc trong thi công nhà 2 tầng

Móng cọc trong thi công nhà 2 tầng

c. Móng bè

Móng bè được sử dụng rất nhiều trong thiết kế nhà 2 tầng. Loại móng này được trải rộng dưới công trình nhằm giảm bớt áp lực do các tầng trên đè lên và của nhà lên mặt đất. Đây là loại móng được sử dụng trên địa hình đất mềm, dẻo, sức kháng nén yếu. Tuy nhiên, nếu nền đất cứng, chắc bạn không cần thiết phải sử dụng loại móng này trong xây dựng nhà 2 tầng do nó có trọng tải không quá lớn.

d. Móng đơn

Móng đơn là loại móng có thể đứng một mình hoặc một chùm cột cột đứng sát nhau có khả năng chịu lực tốt. Đây là loại móng được sử dụng trong trường hợp nền đất thi công rắn, chắc hay dưới nền đất đá. Móng này được sử dụng rộng rãi vì nó chịu áp lực tốt và tiết kiệm chi phí, an toàn trong thi công. Nhưng đối với nhà 2 tầng thì hầu như không sử dụng.

Móng đơn trong thi công xây dựng

Móng đơn trong thi công xây dựng

2. Việc chọn móng cho nhà 2 tầng phụ thuộc vào các yếu tố

Việc chọn loại móng nào cho phù hợp với ngôi nhà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng đối với nhà 2 tầng khi xây dựng móng nhà thì điều kiện nền và tải trọng là yếu tố quan trọng nhất.

  • Sau khi khảo sát thấy nền đất xây nhà 2 tầng tốt thì móng các bạn có thể xây với nguyên vật liệu gạch, đá hộc.

  • Còn nếu xem xét thấy nền đất xây mền, lượng đất yếu dày thì bạn nên sử dụng móng bè với cọc bê tông đóng xuống sâu sẽ làm móng nhà trở lên vững chãi hơn.

  • Nếu nền có lớp trên yếu nhưng có lớp dưới tốt thì gia chủ thay lớp đất yếu bằng đệm cát hay đệm đất trên mặt rồi làm móng cọc tre, sẽ giúp móng chắc hơn rất nhiều.

  • Nếu nền có lớp đất tốt, lớp dưới yếu thì chỉ nên xây nhà 2 tầng và dùng móng bè

Bản thiết kế móng nhà 2 tầng

Bản thiết kế móng nhà 2 tầng

3. Các bước làm móng nhà 2 tầng

Để đảm bảo chất lượng cho móng nhà 2 tầng cũng như tránh bỏ ra những bước thi công quan trọng thì các chủ nhà cần thực hiện theo trình tự các bước sau đây:

  1. Đóng cọc.

  2. Đào hố móng.

  3. Làm phẳng mặt hố móng.

  4. Kiểm tra cao độ lót móng.

  5. Đổ bê tông lót và cắt đầu cọc.

  6. Ghép cốp pha móng.

  7. Đổ bê tông móng.

  8. Tháo cốp pha móng.

  9. Bảo dưỡng bê tông móng sau khi đổ

Nếu các nhà thầu và gia chủ thi công theo các bước trên đây thì đảm bảo sẽ có một móng nhà 2 tầng vững chãi, độ bền vô cùng cao.

VI. Kết cấu móng cho nhà 3 tầng

1. Cấu tạo- kết cấu móng băng nhà 3 tầng

Kết cấu móng băng nhà 3 tầng được thiết kế khá phức tạp và tỷ mỷ với nhiều lớp bê tông lót móng và bản móng liên kết thành khối kiên cố. Nhờ vào sự liên kết giữa các thanh thép mới tạo lên móng vững chắc và đúng quy trình kỹ thuật.

Lớp đầu tiên là lớp bê tông lót dày 100mm, ở lớp này thì lớp bê tông càng dày càng tốt và tránh tiếp xúc của thép với mặt đất vì đất khả năng kết dính với bê tông là không cao có thể bị sạt lún làm ảnh hướng tới quy trình, kỹ thuật.

  • Kích thước thép bản móng phổ thông nên sử dụng: Φ12a150.

  • Kích thước thép dầm móng phổ thông nên sử dụng: thép dọc 6Φ(18-22), thép đai Φ8a150.

  • Bản móng phổ thông của kết cấu móng băng nhà 3 tầng nên sử dụng với kích thước: (900-1200)x350 (mm).

  • Kích thước dầm móng sử dụng phổ thông trong kết cấu móng băng nhà 3 tầng được đề xuất với kích thước như sau: 300x(500-700) (mm).

Những số liệu đưa ra trên đây được dựa trên số đông thiết kế nhà 3 tầng, còn theo kích thước và diện tích tùy vào từng thửa đất để có những kích thước điều chỉnh khác nhau.

Chi tiết kết cấu móng băng nhà 3 tầng

Chi tiết kết cấu móng băng nhà 3 tầng

2. Thi công móng băng hiệu quả- kết cấu móng băng nhà 3 tầng

  • Giải phóng mặt bằng - Công tác chuẩn bị: Là công việc đầu tiên cần làm trong quá trình thi công xây dựng nhà 3 tầng, đòi hỏi phải toàn bộ mặt bằng phải sạch sẽ trước khi thi công. Mặt bằng được sử dụng để nguyên vật liệu như đá, gạch, xi măng, cát,...tất cả phải được xếp gọn gàng không được để trộn lẫn vào nhau làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
  • San lấp mặt bằng - Công tác đất: Là công tác trong quy trình thiết kế kết cấu móng băng nhà 3 tầng. Là công việc dọn dẹp khu đất cho bằng phẳng, sạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công.

Kết cấu móng nhà kiên cố

Kết cấu móng nhà kiên cố

  • Công tác cốt thép: Được tổ chức một cách linh hoạt, thép có thể được lắp ghép tại công trình thi công hoặc bên ngoài công trình nhưng cũng có thể di dời tới vị trí nào cần thi công. Đặc biệt, việc lắp ghép thép cần yêu cầu đúng kỹ thuật và chất lượng thép phải được đặt lên hàng đầu, tránh sử dụng thép gỉ và giòn.
  • Công tác cốp pha: Trong kết cấu nhà 3 tầng hay trong bất kỳ một công trình nào cũng đều đặt theo lưới thép định trước. Lắp đặt hệ thống ván khuôn cho quá trình đổ bê tông nền móng. Nhưng cần lưu ý ván khuôn được lựa chọn phải phù hợp với từng loại móng và đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật trong thi công. Tránh việc bị bung ván khuôn khi đang đổ bê tông, các thanh chống lên thành đất phải được dày ít nhất 4cm nhằm làm giảm lực xô ngang khi tiến hành đổ bê tông.

Cốp pha được định lưới thép trong kết cấu thi công

Cốp pha được định lưới thép trong kết cấu thi công

  • Công tác bê tông: Là quá trình đổ bê tông nó đòi hỏi sự cẩn thận để đảm bảo chất lượng của móng công trình. Hỗn hợp để làm bê tông phải được trộn đúng quy cách, đủ thời gian với tỷ lệ đá, cát và sỏi dùng để trộn phải đảm bảo có chọn lọc đúng kích cỡ hạt cho chất lượng bê tông ra tốt hơn và không có bong bóng trong lỗ rỗng bê tông thành phẩm. Có thể sử dụng máy đầm để  giúp cho phần móng của bê tông không có lỗ hổng.

Đọc thêm:

VII. Tư vấn bản vẽ móng cọc ép nhà dân

1. Chọn số lượng cọc

Sau khi khảo sát địa chất thì chúng ta nên tính toán chọn sơ bộ số lượng cọc cho việc xây móng nhà đảm bảo yêu cầu kỹ thuật mà tránh lãng phí.

Lựa chọn số lượng cọc trên đài có thể phụ thuộc vào tải trọng truyền vào đầu cột và độ sâu chôn móng nhưng cũng không quá ảnh hưởng quá đến việc quyết định số lượng cọc nên việc tính toán số lượng cọc được giả định theo công thức như sau:

Tải trọng tường, tải trọng sàn, tải trọng động do quá trình sử dụng tổng cộng bằng 1,2-1,5 tấn/m2 x diện chịu tải của cột x hệ số moment 1.2 x số tầng.

Mặt bằng đài móng thể hiện kích thước móng trên các đài cọc - 1

Mặt bằng đài móng thể hiện kích thước móng trên các đài cọc - 1

Mặt bằng đài móng thể hiện kích thước móng trên các đài cọc - 2

Mặt bằng đài móng thể hiện kích thước móng trên các đài cọc - 2

Mặt bằng đài móng thể hiện kích thước móng trên các đài cọc -3

Mặt bằng đài móng thể hiện kích thước móng trên các đài cọc -3

2. Lựa chọn máy ép cọc

Để cho cọc chôn sâu dưới lòng đất thì máy móc không thể thiếu đó là máy ép cọc. Nhưng gia chủ phải thuê được mấy ép có khả năng nén được trọng tải của cọc. Thông thường sức chịu tải của cọc = 20T tức tải trọng tĩnh là 20T. Do đó tải trọng động ép lên đầu cọc là 20*2-20*3T = 40-60T

Tương ứng với trọng tải tĩnh là 20T thì ta nên chọn máy ép cọc thì lực ép phải lớn hơn 15% tải trọng động => máy ép cọc phải >=75T mới sử dụng được.

Trong quá trình ép cọc sẽ có một đơn vị quy đổi từ đồng hồ ép ra tấn thực tế ép được, chỉ cần nhìn vào chỉ số trên đồng hồ  ta có thể tự giám sát được công trình của mình.

Máy ép cọc trong các công trình thi công

Máy ép cọc trong các công trình thi công

Đọc thêm:

Trên đây là những chia sẻ về kinh nghiệm thi công móng nhà đảm bảo chất lượng với chi phí hợp lý. Rất mong quý các bạn có thể tham khảo bài viết của chúng tôi để có thêm kiến thức về xây móng nhà cũng như áp dụng các kinh nghiệm quý báu trên cho việc xây dựng một ngôi nhà có móng thật vững chãi nhé!