X
Card image cap

Đặc trưng kiến trúc Gothic - Đỉnh cao kiến trúc người Pháp

Pham Hanh 2019-06-27

Trong vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của phong cách kiến trúc Gothic đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng mới trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng. Được đánh giá là một trong những phong cách kiến trúc đỉnh cao của người Pháp, Gothic nhanh chóng nhận được nhiều sự thu hút của người dân Việt Nam, đặc biệt là các tầng lớp thượng lưu. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về phong cách thiết kế này. Do đó, trong bài viết hôm nay, Nhà đẹp 9houz sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để bạn có thể nắm rõ hơn về kiến trúc Gothic và chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc Gothic đẹp.

I. Thông tin về kiến trúc Gothic

Trước hết, để bạn có cái nhìn tổng quan nhất về kiến trúc Gothic, hãy cùng chúng tôi đi trả lời câu hỏi kiến trúc Gothic là gì và lội ngược dòng thời gian tìm hiểu rõ về nguồn gốc, hoàn cảnh ra đời của phong cách kiến trúc này. 

1. Kiến trúc Gothic là gì?

Phong cách kiến trúc Gothic là phương pháp xây dựng tại vùng Île-de-France, có tên gọi ban đầu là Francigenum Opus với ý nghĩa “tác phẩm của người Pháp”. Ban đầu, theo quan điểm của người La Mã, thuật ngữ “Gothic” mang ý nghĩa xấu, xuất phát từ những người mọi rợ (Goth).

Phong cách kiến trúc Gothic là phương pháp xây dựng ở nước Pháp

Phong cách kiến trúc Gothic là phương pháp xây dựng ở nước Pháp

Mặc dù, trong thời kỳ Phục Hưng, những người Ý đều cho rằng phong cách Gothic là kỳ dị, mọi rợ, nhưng phần đông các nhà sử gia nghệ thuật và khảo cổ học đều nghĩ khác. Họ cho rằng, phong cách Gothic không hề kỳ dị hay nằm ngoài những quan niệm về thẩm mỹ của kiến trúc Hy Lạp - La Mã cổ đại mà mọi người vẫn nghĩ, đây chỉ là sự phát triển của kiến trúc Roman. 

2. Nguồn gốc, sự ra đời của kiến trúc Gothic

Ra đời vào khoảng năm 1.200 sau Công nguyên, kiến trúc Gothic là sự tiếp nối của kiến trúc Roman. Cùng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, các nguyên vật liệu được sử dụng trong kiến trúc - xây dựng này ít nhiều cũng đã có sự thay đổi và cải tiến.

Phong cách kiến trúc này được thể hiện rõ rệt và sắc nét tại các thánh đường, nhà thờ lớn và một vài công trình dân dụng. Có rất nhiều công trình xây dựng theo phong cách Gothic còn được UNESCO đánh giá là kiệt tác vô giá, công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Kiến trúc Gothic lan tỏa nhanh chóng, hiện diện tại nhiều công trình

Kiến trúc Gothic lan tỏa nhanh chóng, hiện diện tại nhiều công trình

Giai đoạn từ giữa thế kỷ 18 chính là thời kỳ hưng thịnh nhất của phong cách Gothic với sự xuất hiện của nhiều công trình Gothic ở nước Anh. Sau đó, trong suốt thế kỷ 19 cho tới tận thời điểm hiện tại, kiến trúc Gothic đã lan tỏa nhanh chóng, tác động mạnh đến các kiến trúc nhà thờ cũng như trường đại học ở châu Âu.

II. Đặc điểm kiến trúc Gothic

Sau khi bạn đã tìm hiểu về những thông tin tổng quan của kiến trúc Gothic, hãy cùng chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu những đặc điểm của phong cách kiến trúc này.

1. Kết cấu kiến trúc gothic

Kết cấu kiến trúc của những công trình mang phong cách Gothic là một trong những sáng tạo đặc biệt. Đặc trưng dễ nhận thấy nhất của kiến trúc này chính là những hình khối theo chiều thẳng đứng, mái vòm và đầu nhọn. Bên cạnh đó, phong cách thiết kế này còn tập trung vào những hệ cột mảnh, trần cao mở rộng kết hợp vật liệu kính.

Phong cách Gothic sở hữu kết cấu kiến trúc mang nhiều sáng tạo, độc đáo

Phong cách Gothic sở hữu kết cấu kiến trúc mang nhiều sáng tạo, độc đáo

Đặc biệt, trong phong cách thiết kế Gothic, các cột trụ lớn - nhỏ được xây dựng xen kẽ với nhau. Điều này góp phần làm gia tăng sự ấn tượng về chiều dài, chiều ngang cũng như sự tương ứng giữa chiều cao và chiều rộng của công trình, dẫn tới sự thay đổi về cảm giác độ cao của đỉnh vòm.

Đồng thời, kết cấu phong cách Gothic còn được thể hiện rõ nét qua tỉ lệ của các bộ phận trong công trình như tỉ lệ giữa triforium - hành lang phía trên - vòm lượn lớn, hình dạng đỉnh các cột và trang trí đỉnh cột,...     

2. Hệ thống mái vòm

Hệ thống mái vòm trong phong cách kiến trúc Gothic bao gồm các loại như vòm có sống bốn mũi có hình chiếu hình chữ nhật, vòm có sống sáu mũi có hình chiếu hình chữ nhật hoặc vòm có nhiều sống và nhiều múi. Thông thường, khi xây dựng vòm mái bằng hình chữ nhật cho công trình Gothic, người thợ sẽ gập mái cong hai chiều rất phức tạp, giúp chiều cao của cuốn bay vẫn bằng nhau.

Hệ thống mái vòm đặc trưng của kết cấu kiến trúc phong cách Gothic

Hệ thống mái vòm đặc trưng của kết cấu kiến trúc phong cách Gothic

Trong đó, cuốn bay là một bộ phận quan trọng của hệ thống kết cấu công trình Gothic, có tác dụng chia sẻ tải trọng với cột tải trọng của vòm mái và làm giảm tiết diện của cột kiến cho công trình.

3. Hệ thống kết cấu bên trong của công trình

Đối với các công trình mang phong cách Gothic, hệ thống kết cấu bên trong sở hữu không gian rất lớn. Kết cấu bên trong công trình hầu hết dùng khung chịu lực, các bộ phận được tách biệt rõ ràng giữa kết cấu ngăn cách và kết cấu chịu lực.

Kết cấu bên trong công trình Gothic rộng lớn và đẹp mắt

Kết cấu bên trong công trình Gothic rộng lớn và đẹp mắt

Một công trình kiến trúc Gothic có cấu tạo chính từ phần mái đổ xuống lần lượt là vòm mái, cuộn nhọn, cột và cuộn bay. Hệ thống cấu tạo này đã giúp công trình kiến trúc trở nên rộng, mênh mông, khoáng đạt hơn và tràn ngập ánh sáng.

4. Chiều cao

Những công trình mang phong cách Gothic thường có chiều cao dao động từ 38 đến 42m, chỉ riêng thiết kế tháp lấy ánh sáng có chiều cao đến 60m. Cửa sổ kính màu ở mặt chính của công trình có thể cao tới 8 - 12m.

III. Những công trình kiến trúc Gothic tiêu biểu

Được đánh giá là một trong những phong cách kiến trúc đỉnh cao của người Pháp, Gothic được áp dụng rất nhiều trong các công trình kiến trúc hiện đại ngày nay. Hãy cùng chúng tôi ngắm nhìn một số công trình kiến trúc Gothic tiêu biểu nổi tiếng trên khắp thế giới.

1. Nhà thờ Đức Bà Reims, Pháp

Nhà thờ Đức Bà Reims được xây dựng từ thế kỷ 13, là một trong các nhà thờ cổ nhất và là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Reims ở Pháp. Công trình này được xem là công trình kiến trúc Gothic tiêu biểu của Pháp, nơi diễn ra lễ đăng quang của gần như toàn bộ các hoàng đế Pháp.

Công trình nhà thờ Đức Bà Reims tại Pháp mang phong cách Gothic

Công trình nhà thờ Đức Bà Reims tại Pháp mang phong cách Gothic

2. Tháp đồng hồ Big Ben, Anh

Tháp đồng hồ Big Ben nổi tiếng của đất nước Anh được hoàn thành xây dựng vào năm 1858 theo phong cách kiến trúc Gothic với vật liệu chính là gạch và đá vôi. Tháp Big Ben bị nghiêng về hướng Tây theo một góc 0,26 độ, để công trình có độ nghiêng như tháp nghiêng Pisa của nước Ý thì phải mất khoảng 10.000 năm nữa.

Công trình tháp đồng hồ Big Ben tại Anh mang phong cách Gothic

Công trình tháp đồng hồ Big Ben tại Anh mang phong cách Gothic

3. Tu viện Westminster, Anh

Bên cạnh tháp Big Ben, tu viện Westminster với nét đẹp lịch sử văn hóa ngàn đời cũng là một công trình mang phong cách kiến trúc Gothic tiêu biểu của đất nước Anh. Nhìn từ bên ngoài, tu viện Westminster mang một vẻ đẹp cuốn hút với các ngọn tháp nhọn cổ kính cùng tháp đôi kiểu Gothic.

Tu viện Westminster tại Anh mang phong cách Gothic đầy cuốn hút

Tu viện Westminster tại Anh mang phong cách Gothic đầy cuốn hút

Kiến trúc tu viện Westminster ẩn chứa nhiều ý nghĩa, nhiều điều bí mật và vô cùng phức tạp trong các biểu tượng huyễn hoặc chưa tìm ra lời giải đáp. Dù đã trải qua hàng ngàn năm, công trình này vẫn giữ được vẹn nguyên vẻ uy quyền vốn có.

4. Nhà thờ Salisbury, Anh

Thêm một công trình kiến trúc Gothic nữa ở Anh mà bạn không thể bỏ qua chính là nhà thờ Salisbury. Phong cách Gothic đặc trưng được thể hiện qua cột vòm, những nét trang trí cầu kỳ, tinh xảo của kiến trúc nhà thờ này cùng không khí linh thiêng nơi đây.

Công trình nhà thờ Salisbury ở Anh nổi bật nhờ phong cách Gothic

Công trình nhà thờ Salisbury ở Anh nổi bật nhờ phong cách Gothic

5. Nhà thờ Saint-Étienne, Pháp

Ngoài nhà thờ Đức Bà Reims, ở Pháp còn có nhà thờ Saint-Étienne là nhà thờ theo kiến trúc Gothic đầu tiên trên thế giới và là nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận Bourges. Mặt chính nhà thờ có kích thước vào loại lớn nhất với 5 cửa đúp tương ứng với 5 gian giữa, kết hợp vật liệu kính mờ cùng các tác phẩm điêu khắc rất tinh xảo.

Nhà thờ Saint-Étienne là nhà thờ phong cách Gothic đầu tiên trên thế giới

Nhà thờ Saint-Étienne là nhà thờ phong cách Gothic đầu tiên trên thế giới

IV. Những dấu ấn kiến trúc gothic ở Việt Nam

Không chỉ được áp dụng với các công trình xây dựng phương Tây, kiến trúc Gothic cũng đã du nhập vào Việt Nam khá nhiều với những nhà thờ cổ được xem là điểm du lịch ấn tượng, tạo nên dấu ấn đậm nét.

1. Nhà thờ Lớn, Hà Nội

Nhà thờ lớn được hoàn thành xây dựng vào năm 1887, là một trong những công trình kiến trúc Gothic đầu tiên tại Hà Nội. Công trình được xây dựng mô phỏng nhà thờ Đức Bà Paris mang kiến trúc phương Tây độc đáo, nổi bật với mái vòm uốn cong, rộng và hướng lên bầu trời.

Nhà thờ Lớn Hà Nội mang những đường nét đặc trưng của kiến trúc Gothic

Nhà thờ Lớn Hà Nội mang những đường nét đặc trưng của kiến trúc Gothic

Không chỉ là trung tâm hoạt động của Công giáo Hà Nội, nhà thờ Lớn còn là điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của thủ đô và là địa điểm chụp ảnh cưới, ảnh du lịch cực kỳ ấn tượng.

2. Nhà thờ Đức Bà, TPHCM

Nhà thờ Đức Bà tại TPHCM được khánh thành năm 1863, là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Sài Gòn. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư J.Bourad theo lối kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa phong cách Gothic và Roman, sử dụng chất liệu xây dựng đa phần được đem từ nước ngoài về.

Nhà thờ Đức Bà tại TPHCM xây dựng từ chất liệu đem từ nước ngoài về

Nhà thờ Đức Bà tại TPHCM xây dựng từ chất liệu đem từ nước ngoài về

Quanh nhà thờ Đức Bà là công viên cây xanh, phía trước là tượng Đức Mẹ được tạc bằng đá trắng, sau lưng là hai tháp chuông có độ cao tới 60m. Công trình xây dựng này tọa lạc ngay tại trung tâm TPHCM, khiến du khách và dân cư có thể dễ dàng tham quan và hành lễ.

3. Nhà thờ đá Sapa, Lào Cai

Nhà thờ đá Sapa được xây dựng từ năm 1895, nằm ngay trung tâm thị trấn Sapa với vẻ đẹp cổ cuốn hút người nhìn. Công trình này được xem là kiến trúc Gothic cổ toàn vẹn nhất của người Pháp để lại cho vùng đất Lào Cai với mặt tiền quay về hướng Đông và khu tháp quay về hướng Tây.

Nhà thờ đá Sapa là công trình kiến trúc Gothic toàn vẹn nhất tại Lào Cai

Nhà thờ đá Sapa là công trình kiến trúc Gothic toàn vẹn nhất tại Lào Cai

Nhà thờ đá Sapa có tổng diện tích hơn 6000m², được xây dựng từ đá đẽo cùng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía. Mặc dù chịu nhiều tác động của chiến tranh và thời gian nhưng công trình này vẫn giữ được nét đẹp của kiến trúc Gothic, là điểm hẹn của nhiều du khách khi đến với Sapa.

4. Nhà thờ Mằng Lăng, Phú Yên

Nằm trên địa phận xã An Trạch, cách trung tâm Phú Yên khoảng 30km về phía Bắc, nhà thờ Mằng Lằng được biết đến là một trong những nhà thờ cổ xưa nhất ở Việt Nam. Nhà thờ Mằng Lằng mang đậm những nét đặc trưng của kiến trúc Gothic cổ và được xây dựng vào năm 1892.

Nhà thờ Mằng Lăng mang phong cách kiến trúc Gothic cổ tại Phú Yên

Nhà thờ Mằng Lăng mang phong cách kiến trúc Gothic cổ tại Phú Yên

So với các nhà thờ mang phong cách Gothic ở phương Tây, nhà thờ Mằng Lăng có không gian nhỏ hơn, đồng thời nội thất cũng giản tiện hơn. Tuy nhiên, công trình kiến trúc vẫn thật nổi bật với những cánh cửa chính bằng gỗ được chạm trổ họa tiết tinh xảo và hai tháp chuông hai bên.

5. Nhà thờ Lòng Sông, Bình Định

Được xây dựng từ năm 1894, nhà thờ Lòng Sông tại huyện Tuy Phước, Bình Định còn có tên gọi khác là Chủng viện Lòng Sông. Với lối kiến trúc Gothic và những đường nét vòm nhọn, nhiều cửa sổ, nhà thờ này chính là một trong những biểu tượng Công giáo tại vùng đất Bình Định.

Mặc dù nhà thờ Lòng Sông đã được xây dựng từ rất lâu đời nhưng diện mạo ngoại thất công trình vẫn còn như mới, chưa có dấu hiệu xuống cấp.

Nhà thờ Lòng Sông tại Bình Định mang diện mạo như mới

Nhà thờ Lòng Sông tại Bình Định mang diện mạo như mới

Bên cạnh những công trình nhà thờ cổ bên trên, tại Việt Nam còn có rất nhiều dấu ấn kiến trúc Gothic cổ khác như Nhà thờ Buôn Hồ (Đăk Lăk) hay Nhà thờ Phú Nhai (Nam Định),...Đây đều là những địa điểm đẹp, hấp dẫn cho những ai yêu thích phong cách thiết kế Gothic cổ.

Như vậy, qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ nét hơn và hiểu hơn về phong cách kiến trúc Gothic. Mặc dù đã trải qua hàng ngàn năm tồn tại nhưng những công trình Gothic cổ vẫn đứng sừng sững, rất cuốn hút và có chút ma mị, đẹp mãi với thời gian. Hãy đến chiêm ngưỡng tận mắt và khám phá những công trình kiến trúc phong cách Gothic độc đáo, đẹp mắt này bạn nhé!