X
Card image cap

Học “lỏm” kinh nghiệm trang trí bàn thờ ngày Tết từ ông cha

Dương Ngọc Hà 2019-12-02

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, bên cạnh việc sắm sửa đồ đạc chuẩn bị đón chào năm mới thì việc dọn dẹp, trang trí bàn thờ ngày Tết cũng là thủ tục không thể thiếu với ý nghĩa hiếu kính tổ tiên, cầu mong một năm mới thuận hòa, an vui và gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng am hiểu kỹ về cách dọn dẹp bàn thờ. Để giúp các gia chủ có thể dọn dẹp bàn thờ đúng cách, Nhà đẹp 9houz chia sẻ đến bạn một vài kinh nghiệm trang trí bàn thờ từ ông cha. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các mẹo vặt hay trang trí nhà cửa cho Tết thêm sum vầy, ấm cúng tại đây nhé!

I. Ý nghĩa của tục trang trí bàn thờ ngày Tết

Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” luôn được xem là nét đẹp văn hóa của người Việt từ bao đời nay. Chính vì vậy, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên, dọn dẹp trang trí bàn thờ ngày Tết có một ý nghĩa hết sức quan trọng và linh thiêng mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Trang trí bàn thờ ngày Tết mang nhiều ý nghĩa đẹp

Trang trí bàn thờ ngày Tết mang nhiều ý nghĩa đẹp

Việc dọn dẹp, trang trí bàn thờ ngày Tết như một cách con cháu tỏ lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến thần linh, ông bà và tổ tiên ở thế giới bên kia. Đây giống như một phương thức giao tiếp, là sợi dây kết nối đặc biệt quan trọng giữa cõi âm và cõi dương của các gia đình Việt Nam.  

Đọc thêm: 

II. Hướng dẫn dọn bàn thờ ngày Tết

Để việc dọn dẹp, bày biện bàn thờ ngày Tết được đúng cách và mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho cả gia đình, bạn nên chú ý một số vấn đề về thời điểm tiến hành cũng như cách thức tiến hành sao cho đúng.  

1. Thời điểm tiến hành

Dọn dẹp bàn thờ còn được gọi là bao sái, tuy đây không còn là phong tục xa lạ nhưng tùy theo từng địa phương và gia đình mà thời điểm tiến hành có chút khác biệt. Đa số gia đình người Việt chọn khoảng thời gian từ ngày 23 tháng Chạp cho đến trước ngày 30 Tết Nguyên đán để dọn dẹp bàn thờ.

Lựa chọn thời điểm dọn dẹp bàn thờ phù hợp

Lựa chọn thời điểm dọn dẹp bàn thờ phù hợp

Theo đó, dân gian quan niệm rằng đây chính là khoảng thời gian Táo quân vắng mặt nên việc xê dịch đồ thờ sẽ không bị mạo phạm đến thần linh. Đồng thời, khi Táo quân trở lại thì bàn thờ đã được lau chùi sạch sẽ để đón rước các ngài. Tuy nhiên với dịp Tết, chủ nhà còn có thể dọn bàn thờ từ 20 tháng Chạp.

Bên cạnh đó, một số gia đình lại quan niệm việc lau dọn bàn thờ có thể tiến hành bất cứ thời điểm nào miễn là khi thấy bàn thờ không còn được sạch sẽ và thanh tịnh.

2. Kinh nghiệm dọn bàn thờ

a. Chuẩn bị

Đầu tiên, chủ nhà chuẩn bị chổi quét bàn thờ, khăn lau chuyên dụng mềm để tránh làm xước đồ thờ, nước sạch, nước thơm, có thể sử dụng nước ấm hoặc rượu trắng ngâm với gừng.

Trước khi dọn dẹp bàn thờ, người xưa thường sẽ phải tắm rửa sạch sẽ và chuẩn bị đĩa hoa quả để đặt lên. Sau đó thắp một nén hương thông báo cho tổ tiên, thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn bàn thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu được thực hiện công việc.

Đặt hoa quả và thắp nén hương trước khi dọn dẹp bàn thờ

Đặt hoa quả và thắp nén hương trước khi dọn dẹp bàn thờ

Tiếp đến, gia chủ chuẩn bị một chiếc bàn đã được trải vải hoặc giấy đỏ bên trên để đặt bài vị, nếu bàn thờ có đặt chung bài vị gia tiên với các thần linh thì phải để ra hai chỗ khác nhau, không được đặt lẫn lộn. Đợi sau khi hương cháy hết, chủ nhà mới bắt đầu công việc dọn dẹp.

b. Tiến hành lau dọn

Khi lau rửa bài vị của tổ tiên phải dùng nước ấm, tránh dùng nước lạnh. Trong quá trình làm vệ sinh, nếu có bài vị của thần Phật thì lau trước, sau đó lấy nước mới để lau bài vị của tổ tiên. Tuyệt đối không được lau bài vị của tổ tiên trước bởi như vậy là bất kính, mạo phạm với thần Phật.

Sau khi lau bài vị xong, chủ nhà tiến hành dọn bát hương, công việc này cũng rất quan trọng. Theo người xưa, để tránh gây “tán tài”, khi đã rút hết chân hương nên dùng chiếc thìa nhỏ xúc từng thìa tro đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương đặt sang một bên.

Xúc từng thìa tro đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương

Xúc từng thìa tro đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương

Khi bát hương đã khô ráo, nếu là bát hương thờ thần Phật thì dùng bảy tờ tiền vàng, còn nếu là bát hương của tổ tiên thì dùng ba tờ tiền vàng đốt hơ quanh, cháy một nửa thì bỏ vào trong. Sau đó, đợi cho tiền vàng cháy hết thì đổ tro vào hết một lần, như vậy gọi là “Ra nhỏ vào lớn”, ý nói “Tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như nước”.

Sau khi bát hương đã khô ráo, đổ cho vào hết một lần

Sau khi bát hương đã khô ráo, đổ cho vào hết một lần

Ngày nay, có nhiều gia đình đem tro cũ của bát hương đổ ra sông, thay tro mới vào bát hương. Tuy nhiên, người xưa thì lại dùng chiếc rổ mắt nhỏ để lọc tro cũ, lọc xong lại đổ vào bát hương chứ không đổ đi. Việc lọc tro cũng phải làm bắt đầu từ bát hương thờ thần Phật.

Sau khi bàn thờ đã được lau rửa sạch sẽ, đem bài vị thần Phật và tổ tiên đặt lại vị trí cũ, công đoạn này cũng khá phức tạp. Đầu tiên, chủ nhà phải chuẩn bị một chiếc lò nhỏ trong có đốt than hoa và đặt dưới bàn thờ khoảng 15 phút, tiếp đến đốt 7 tờ tiền vàng làm dấu hơ ở bốn hướng trên dưới trái phải, tiền vàng chưa cháy hết thì bỏ vào lò than hoa.

Đem bài vị thần Phật, tổ tiên đặt lại vị trí cũ khi đã dọn dẹp xong

Đem bài vị thần Phật, tổ tiên đặt lại vị trí cũ khi đã dọn dẹp xong

Tiếp tục đốt 7 tờ tiền vàng làm sạch vị trí muốn đặt tượng hoặc bài vị thần Phật và bát hương, sau đó mới được đặt các đồ vật vào vị trí cố định. Khi đã đặt xong, gia chủ đốt 12 que hương cắm theo thứ tự hướng thời gian cụ thể:

  • Que thứ nhất: Cắm ở vị trí hướng 1h, khi cắm đọc “Niên niên thị hảo niên” tức mỗi năm đều là năm tốt.

  • Que thứ hai: Cắm ở vị trí hướng 2h, khi cắm đọc “Nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt” tức mỗi tháng đều là tháng tốt.

  • Que thứ 3: Cắm ở vị trí hướng 3h, khi cắm đọc “Nhật nhật thị hảo nhật” tức mỗi ngày đều là ngày tốt.

  • Que thứ 4: Cắm ở vị trí hướng 4h, khi cắm đọc “Thời thời vị hảo thời” tức mỗi giờ đều là giờ tốt.

Cứ làm tuần tự như trên cho đến thời điểm vị trí hướng 12h. Các vị trí bài vị, bát hương của tổ tiên và bà tổ cô cũng làm tương tự.      

3. Những lưu ý khi dọn bàn thờ ngày Tết

Nếu gia đình có tang ma thì không nên lau dọn bàn thờ ngày Tết, bởi dân gian quan niệm điều này sẽ giúp làm tránh khói bụi bay vào mắt người đã khuất.

Bên cạnh đó, những đồ vật không liên quan đến việc thờ cúng như vật phẩm phong thủy thì không nên đặt lên bàn thờ.

Đọc thêm:

III. Làm thế nào để trang trí bàn thờ ngày Tết hợp phong thủy?

Giúp các gia đình có thể dễ dàng trang trí bàn thờ trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 sắp tới, sau đây là một số cách bày trí bàn thờ đẹp ngày Tết, hợp phong thủy.

1. Vị trí đặt bàn thờ

Thuận theo phong thủy, chủ nhà nên đặt bàn thờ theo hướng Tây Bắc của ngôi nhà. Vị trí đặt bàn thờ cũng cần lưu ý phải là nơi yên tĩnh nhất có thể, tránh có tiếng động ồn ào để tổ tiên nghỉ ngơi. Tốt nhất, chủ nhà không nên đặt bàn thờ ở lối đi lại, bởi theo quan niệm phong thủy, cách bố trí này sẽ khiến cho gia chủ bị hao tài tốn của.

Bàn thờ nên được đặt theo hướng Tây Bắc của ngôi nhà

Bàn thờ nên được đặt theo hướng Tây Bắc của ngôi nhà

Bên cạnh đó, các gia đình cũng không nên đặt bàn thờ ở những nơi mà người bên ngoài có thể dễ dàng nhìn thấy để tránh bị rèm pha, ngó thấy.

Đặc biệt, vị trí đặt bàn thờ phải tuyệt đối cách xa những nơi thiếu sạch sẽ như nhà vệ sinh, phòng tắm và không được kê trong phòng có diện tích quá chật hẹp, những điều này đều sẽ làm ảnh hưởng đến không khí linh thiêng của bàn thờ.

Vị trí đặt bàn thờ phải thoáng mát

Vị trí đặt bàn thờ phải thoáng mát

Ngoài ra, khu vực đặt bàn thờ phải là nơi thoáng mát nhưng không được có ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào để tạo không khí linh thiêng hơn.

2. Bày biện trên bàn thờ

Trên bàn thờ tổ tiên, ở vị trí chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ). Hai bát hương khác đặt ở bên trái và bên phải để tạo nên thế tam tài.

Ở hai góc ngoài cùng bàn thờ bao giờ cũng có hai cây đèn dầu hoặc nến tượng trưng cho mặt trời ở bên trái và mặt trăng ở bên phải.

Bày biện vật dụng thờ cúng trên bàn thờ theo đúng phong thủy

Bày biện vật dụng thờ cúng trên bàn thờ theo đúng phong thủy

Lễ vật dâng cúng thường bao gồm vài bộ quần áo, giấy tiền vàng mã cho các cụ, một vài ly nhỏ và một bình trà. Đĩa mâm ngũ quả đặt ở bên phải bàn thờ, một bình hoa lớn và một bình rượu ngon đặt sang bên trái, bày thêm bánh mứt kẹo cho cân đối và đẹp mắt.

Điều cần lưu ý là trên bàn thờ chỉ được đặt đồ chay tịnh như hương, hoa, trà, oản, xôi, không được đặt đồ mặn. Nếu đặt đồ mặn thì phải có một bàn thờ thấp hơn bàn thờ chính và đặt một bát hương làm bằng cốc gạo để gắn kết với thế giới thần linh.

Đặt lễ vật dâng cúng trên bàn thờ ở vị trí phù hợp

Đặt lễ vật dâng cúng trên bàn thờ ở vị trí phù hợp

Ngoài ra, nếu gia đình nào có phòng thờ riêng có thể đặt thêm hai cây mía ở hai bên phía của bàn thờ. Cây mía lá xum xuê, có rễ tượng trưng cho mây trời, các đốt tượng trưng cho bậc thang đi về của thần linh.

Đọc thêm:

3. Bày trí mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả phải đạt được tiêu chuẩn như nhiều hạt, nhiều mắt, nhiều múi, nhiều chum, nhiều tay,...để biểu hiện cho sự sinh sôi phát triển. Trong đó, màu sắc của các loại quả cũng phải đạt được cho cả ngũ dương, ngũ hành như Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ) và Thổ (màu vàng) với mong muốn được hưởng ngũ phúc. Đặt mâm ngũ quả trước hay sau bát hương cũng là điều mà nhiều gia đình quan tâm.

Mâm ngũ quả biểu tượng cho sự sinh sôi, phát triển

Mâm ngũ quả biểu tượng cho sự sinh sôi, phát triển

Tùy vào từng vùng miền khác nhau mà mỗi gia đình có cách sắp xếp, lựa chọn những loại quả khác nhau để bày lên mâm ngũ quả. Chính vì vậy, cách bày mâm ngũ quả ngày Tết đẹp, hợp phong thủy và có ý nghĩa còn tùy thuộc vào phong tục của mỗi vùng miền.

Mâm ngũ quả miền Bắc thường bao gồm: Chuối hoặc dưa hấu (màu xanh); Phật thủ, bưởi, cam, quýt hoặc quất (màu vàng); Đào hoặc lê (màu trắng); Mận hoặc nho (màu đen) được bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại xen kẽ với nhau để đẹp mắt và hợp phong thủy.

Mâm ngũ quả của người miền Bắc

Mâm ngũ quả của người miền Bắc

Người miền Trung lại có cách bày trí mâm ngũ quả ngày Tết rất đơn giản, bình dị. Không quá câu nệ hình thức hay ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì dùng nấy, thành tâm dâng cúng tổ tiên. Do đó, mâm ngũ quả của mỗi nhà lại khác, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon.

Mâm ngũ quả bình dị của người miền Trung

Mâm ngũ quả bình dị của người miền Trung

Còn người miền Nam thường bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” với mong ước năm mới được đủ đầy, sung túc. Tương ứng với 5 loại quả là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Ngoài ra, còn có thêm một cặp dưa hấu xanh để cầu may mắn và quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà.

Mâm ngũ quả của người miền Nam

Mâm ngũ quả của người miền Nam

Dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng trên hết mâm ngũ quả ở mỗi nơi đều thể hiện sự thành kính, hướng về cội nguồn, tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, thịnh vượng và đủ đầy.

Đọc thêm:

IV. Những điều tuyệt đối kiêng kỵ khi trang trí bàn thờ ngày Tết

Bàn thờ ngày Tết không thể thiếu một bình hoa tươi, đẹp để dâng cúng tỏ lòng thành kính, biết ơn với chư Phật, thánh và gia tiên. Tuy nhiên, không phải loài hoa nào cũng có thể để trên bàn thờ vào dịp Tết, hoa đặt lên bàn thờ ngày tết cũng phải được cắm một cách chỉn chu, đầy đủ.

1. Không nên chọn những hoa đã nở to

Khi chọn hoa bày trên bàn thờ ngày Tết, nên lựa chọn kỹ từng bông, không nên chọn những hoa đã nở to. Thay vào đó, nên chọn những bông mới chớm nở và cho vào nước vài viên thuốc B1 để có dinh dưỡng nuôi hoa, giúp hoa được tươi lâu.

Không nên chọn hoa đã nở to đặt trên bàn thờ

Không nên chọn hoa đã nở to đặt trên bàn thờ

2. Không nên kết hợp quá nhiều loại hoa cùng lúc

Để tránh làm giảm mất sự thanh tao, tính thẩm mỹ trên bàn thờ, chủ nhà không nên kết hợp quá nhiều loại hoa cùng một lúc. Đồng thời, tránh lựa chọn những loại hoa có gai sắc chứa nhiều sát khí hoặc những loại hoa có mùi quá gắt.

Không nên kết hợp quá nhiều các loại hoa cùng lúc

Không nên kết hợp quá nhiều các loại hoa cùng lúc

3. Không nên đặt một lọ hoa quá to trên một bàn thờ nhỏ

Bàn thờ là nơi trang trọng, tôn nghiêm nên khi cắm hoa để bàn thờ gia chủ cũng cần tính đến sự cân đối, hài hòa. Cụ thể, không nên đặt một lọ hoa quá to trên một bàn thờ nhỏ, cách bày trí này sẽ làm các đồ thờ cúng khác được đặt trên bàn thờ bị che khuất hết.

Lọ hoa trên bàn thờ cần có kích thước cân đối, hài hòa

Lọ hoa trên bàn thờ cần có kích thước cân đối, hài hòa

4. Không nên dâng chậu hoa cảnh hay hoa nhựa, hoa giả

Theo các nhà tâm linh, những chậu hoa cảnh hay hoa nhựa, hoa giả tuy không mất trang nghiêm nhưng theo quan niệm phong thủy đó là sự giả dối, không nên dâng lên bàn thờ. Hoa cúng là biểu hiệu cho tấm lòng thành kính của con cháu nên không dùng lễ giả để biểu thị tấm lòng chân thật.

Chậu hoa giả không nên dâng lên bàn thờ

Chậu hoa giả không nên dâng lên bàn thờ

5. 6 loại hoa không nên đặt trên bàn thờ ngày Tết

a. Cúc vạn thọ

Nếu hoa cúc vàng là sự lựa chọn hoàn hảo để đặt lên bàn thờ thì cúc vạn thọ lại không được ưa chuộng bởi mùi hương nồng, có mùi hôi. Trong khi hoa cúng cần chọn loại có mùi thơm dịu nhẹ, thanh khiết để làm tăng thêm phần trịnh trọng, thể hiện lòng thành kính của gia chủ.

Cúc vạn thọ có mùi hương nồng

Cúc vạn thọ có mùi hương nồng

b. Hoa nhài, hoa sứ

Hoa nhài và hoa sứ (còn gọi là hoa đại) đều mang màu trắng xinh đẹp và mùi hương rất thơm nhưng không nên dùng để thờ cúng bởi những câu chuyện dân gian của hai loài hoa này liên quan đến chuyện trai gái không đứng đắn.

Hoa nhài

Hoa nhài

Hoa sứ

Hoa sứ

c. Hoa ly

Hoa ly là loài hoa có vẻ quyến rũ, rực rỡ và kiêu sa nhưng vì để tránh tên gọi “chia ly”, “ly tán”,..., chủ nhà tốt nhất không nên dùng loại hoa này đặt trên bàn thờ.

Hoa ly mang hàm ý chia ly, ly tán

Hoa ly mang hàm ý chia ly, ly tán

d. Hoa phù dung

Loại hoa phù dung tuy đẹp nhưng lại có đặc tính “sớm nở tối tàn”, lại hay thay đổi màu sắc theo từng thời điểm trong ngày, từ trắng muốt sang hồng, đỏ, rồi sậm dần và lụi tàn. Do đó, phù dung đã trở thành loại hoa kiêng kỵ cho việc thờ cúng.

Hoa phù dung sớm nở tối tàn

Hoa phù dung sớm nở tối tàn

e. Hoa phong lan

Có nhiều ý kiến cho rằng, chữ “phong” trong “phong lan” gợi nhắc đến sự phong tình, phóng đãng, vì vậy không nên dùng để dâng Phật, kính tổ.

Hoa phong lan nhắc đến sự phong tình, phóng đãng

Hoa phong lan nhắc đến sự phong tình, phóng đãng

f. Râm bụt, hoa cúc áo

Hoa râm bụt và hoa cúc áo (còn được dân gian gọi là hoa cứt lợn) dù có màu sắc tươi tắn nhưng chủ nhà lại không nên sử dụng để đặt trên bàn thờ, đơn giản là vì tên gọi của hai loại hoa này không đẹp, không thích hợp ở nơi cần có sự tôn nghiêm.

Hoa râm bụt

Hoa râm bụt

Hoa cúc áo

Hoa cúc áo     

Đọc thêm: 

V. Thủ tục chuyển bàn thờ cũ sang bàn thờ mới theo quan niệm dân gian

Ông bà ta đã có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, “Trần sao âm vậy” nên khi dọn về nhà mới hay chuyển bàn thờ sang vị trí khác trong nhà, thủ tục chuyển bàn thờ cần hết sức cẩn trọng và theo nhiều bước.

1. Chuẩn bị

Trước khi làm thủ tục chuyển bàn thờ cũ sang bàn thờ mới, gia chủ cần xem ngày chuyển bàn thờ. Có nhiều cách giúp chủ nhà xem được ngày tốt chuyển bàn thờ như xem sách tử vi hoặc nhờ những chuyên gia phong thủy, thầy cúng,...

Trong quan niệm tâm linh của người Việt, sẽ có những ngày sao tốt và sao xấu chiếu mệnh, do đó cần chọn ngày sao cho tốt để thực hiện công việc mang tính chất quan trọng này.

Xem trước ngày tốt và chuẩn bị đầy đủ đồ lễ

Xem trước ngày tốt và chuẩn bị đầy đủ đồ lễ

Bên cạnh đó, chủ nhà cần chuẩn bị đồ lễ đầy đủ, bao gồm: 1 con gà lễ luộc; 1 đĩa xôi; 1 đĩa hoa quả; 1 chai rượu trắng; 1 lọ hoa; 1 bát nước sạch; 3 lá trầu têm sẵn; Vàng mã; 1 con ngựa đỏ và 1 con ngựa vàng (Hai con ngựa này phải có đủ hia, hài, mũ, kiếm); 1 bộ quần áo màu đỏ; 1 bộ quần áo màu vàng; Sớ.

2. Các bước thực hiện

Sau khi đã xem được ngày tốt và chuẩn bị đủ đồ lễ, gia chủ thực hiện thủ tục chuyển bàn thờ cũ sang bàn thờ mới theo các bước sau:

- Bước 1: Đặt đồ lễ đã chuẩn bị lên bàn thờ.

- Bước 2: Vái 3 lạy và thắp hương.

- Bước 3: Đọc văn khấn chuyển bàn thờ tổ tiên theo mẫu dưới đây

Bước 4: Hóa tiền vàng, tờ văn khấn chuyển bàn thờ và rắc gạo, muối từng thứ trước cửa nhà.

Bước 5: Khi tàn hương thì bái tạ rồi mang các vật dụng đồ thờ cúng trên bàn thờ xuống, rửa sạch sẽ trước khi mang qua nhà mới.

Bước 6: Lập bàn thờ tại nhà mới và sắp đặt lại các đồ thờ tự trên bàn thờ. Sau đó, tiến hành làm lễ nhập trạch theo đúng thủ tục về nhà mới.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương trời mười phương Phật. Con kính lạy các chư vị thần linh, hiển linh, hiển pháp, pháp thuật vô biên.

Hôm nay là ngày … tháng … năm …

Tên con là … (Tín chủ của …  địa chỉ …)

Con xin kính lạy các cụ tổ tiên nội ngoại sống khôn thác thiêng, hôm nay con làm lễ bốc bát hương mới (thay bàn thờ mới), kính xin các cụ về phù hộ độ trì cho con cho cháu mạnh khỏe, an ninh khang thái, mọi việc được hanh thông.

Con xin dập đầu kính bái.

Đọc thêm: 

Trên đây là những kinh nghiệm dọn dẹp, trang trí bàn thờ ngày Tết của ông cha ta từ bao đời nay để các gia đình cùng tham khảo, thêm am hiểu hơn về phong tục tập quán của người xưa trong những ngày xuân tới với hy vọng mọi người đều sẽ gặp những thành công mới, may mắn mới.