X
Card image cap

Chuyên gia giúp bạn giải đáp thắc mắc: Cầu phong là gì?

Dương Ngọc Hà 2019-12-11

Để tạo nên một mái nhà vững chãi, cầu phong là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo thành bộ khung nâng đỡ cố định, vậy cầu phong là gì? Cầu phong có tác dụng cụ thể gì đối với kết cấu mái nhà? Giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên, sau đây là những chia sẻ chi tiết từ chuyên gia về cầu phong để các bạn có thể hiểu thêm về loại vật liệu xây dựng này. Tham khảo thêm những bài viết về kiến trúc xây dựng nhà ở tại Kinh nghiệm và Nhà đẹp nhé!

 

I. Cầu phong là gì?

Trong cấu tạo mái dốc nhà ở có hai bộ phận chính là kết cấu đỡ tấm lợp và lớp lợp. Kết cấu đỡ tấm lợp, còn được gọi là sườn mái, bao gồm tường thu hồi, vì kèo, hệ thống giằng vì kèo và xà gồ. Còn phần lớp lợp gồm có cầu phong, li tô và các vật liệu lợp ngói khác tùy theo từng mục đích và nhu cầu sử dụng khác nhau.

1. Tường thu hồi

Là một loại kết cấu đơn giản đỡ tấm lợp mái dốc, tận dụng tường ngang chịu lực để xây thu hồi làm kết cấu chịu lực vững chắc. Thông thường, tường thu hồi được xây dựa trên độ dốc của mái, trong đó tường thu hồi đầu biên xây dày 220mm và tường thu hồi giữa xây dày 105mm.

Tường thu hồi là kết cấu đơn giản đỡ tấm lợp mái dốc

Tường thu hồi là kết cấu đơn giản đỡ tấm lợp mái dốc

Để giúp tăng cường khả năng chịu lực cho tường thu hồi, bạn cần phải bổ trụ. Cụ thể, khoảng 2m nên bổ một trụ và bổ trụ tại các vị trí gác xà gồ.

Bên cạnh đó, nên để thép chờ trong tường thu hồi để tạo liên kết với xà gồ. Ngoài ra, khoảng cách giữa hai tường thu hồi không được vượt quá 4m, trong trường hợp khoảng cách lớn hơn nên dùng kết cấu vì kèo.

2. Vì kèo

Vì kèo có dạng hình tam giác cân nhằm đỡ hai mái dốc về phía hai bên. Trong vì kèo hình tam giác, cạnh đáy là xà ngang, cạnh nghiêng chính là các thanh kèo và các hoành là xà gỗ được đặt vuông góc trên thanh kèo - kết cấu đỡ chính của mái dốc.

Vì kèo có thể được làm bằng chất liệu thép, bê tông cốt thép hoặc gỗ. Trong những công trình xây dựng truyền thống ở nước ta, đặc biệt là các ngôi nhà cấp 4 ở nông thôn, vì kéo gỗ được sử dụng nhiều.

Vì kèo gỗ được sử dụng trong thiết kế nhà cấp 4 ở nông thôn

Vì kèo gỗ được sử dụng trong thiết kế nhà cấp 4 ở nông thôn

Đọc thêm:

Bên cạnh đó, vì kèo thép cũng được dùng phổ biến nhờ tính ứng dụng cao, vì kèo thép được sử dụng trong rất nhiều công trình xây dựng, từ nhà ở truyền thống cho đến nhà ở hiện đại. Ngược lại, vì kèo bê tông cốt thép lại được sử dụng ít hơn, hầu hết chỉ được dùng ở các vị trí có dầm hoặc xà gồ lớn.

3. Hệ thống giằng vì kèo

Đây được xem là một hệ thống quan trọng, có tác dụng tạo liên kết giữa các vì kèo khung thông qua xà gồ mái nhà. Cùng với đó, giúp đảm bảo truyền các lực tác động lên mái nhà theo phương dọc của ngôi nhà về các giằng đứng cột.

Kết cấu của hệ thống giằng vì kèo

Kết cấu của hệ thống giằng vì kèo

4. Xà gồ

Trong cấu tạo mái nhà, xà gồ là một cấu trúc nằm ngang của mái nhà, có tác dụng chống đỡ mái cũng như sức nặng của các vật liệu lợp mái nhà. Xà gồ được hỗ trợ bởi các bức tường xây dựng, dầm thép hoặc vì kèo gốc.

5. Cầu phong

Cầu phong thuộc phần lớp lợp trong kết cấu bao che của cấu tạo mái nhà, là những thanh gỗ có tiết diện hình vuông hoặc hình chữ nhật, được đặt vuông góc với xà gồ. Cầu phong thường có kích thước tiết diện tối thiểu là 4 x 6cm và được liên kết với xà gồ bằng đinh.

Cầu phong thuộc phần lớp lợp trong kết cấu bao che của mái nhà

Cầu phong thuộc phần lớp lợp trong kết cấu bao che của mái nhà

6. Li tô

Li tô chính là các thanh gỗ được đóng vuông góc với cầu phong nhằm mắc ngói khi lợp. Khoảng cách giữa 2 li tô được xác định dựa trên kích thước viên ngói. Đa phần li tô được làm bằng những thanh gỗ xẻ kích thước 3 x 3cm hoặc những nan luồng, nan tre đã được chẻ vót đều bản rộng khoảng 3cm. Trong trường hợp li tô bằng sắt thì bản rộng khoảng 2cm.

7. Ngói

Ngói là bộ phận thuộc phần lớp lợp trong kết cấu bao che của cấu tạo mái nhà. Hiện nay, trên thị trường ngói lợp nhà có rất nhiều loại, có thể kể đến như ngói đất nung, ngói xi măng, ngói composite, ngói ác - đoa hay tấm lợp tôn,...

Qua cấu tạo cụ thể của mái dốc nhà ở bên trên, bạn đã hiểu cầu phong là gì chưa? Cầu phong chính là một bộ phận thuộc kết cấu bao che, là một bộ phận quan trọng không thể thiếu góp phần tạo nên tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh cho mái nhà.  

Đọc thêm:

II. Tác dụng của cầu phong đối với mái nhà

Sau khi tìm hiểu cầu phong là gì, bạn có thể thấy với vị trí đặt vuông góc với xà gồ, cầu phong có tác dụng giúp cố định vị trí các xà gồ và góp phần làm cho hệ vì kèo vững chắc hơn, đồng thời tạo sức nâng đỡ cho phần mái nhà.

Cầu phong góp phần tạo sức nâng đỡ cho mái nhà

Cầu phong góp phần tạo sức nâng đỡ cho mái nhà

Đọc thêm:

III. Tìm hiểu về xà gồ mái nhà

Trong quá trình thiết kế và thi công mái nhà, không thể không kể đến số lượng xà gồ lớn với công dụng chính nâng đỡ sức nặng của ngói. Vậy xà gồ là gì và thiết kế xà gồ phụ thuộc vào cái gì?

1. Khái niệm

Xà gồ là một cấu trúc có phương ngang của mái nhà, có khả năng chống đỡ phần mái cũng như sức nặng của các vật liệu lợp mái. Cùng với đó, xà gồ được hỗ trợ bởi các bức tường xây dựng, dầm thép hoặc vỉ kèo gốc,...

Vị trí xà gồ trong cấu tạo mái nhà

Vị trí xà gồ trong cấu tạo mái nhà

Thông thường, xà gồ được làm bằng gỗ hộp có chiều rộng khoảng 10 - 12cm, chiều dài không quá 4m và cao khoảng 15 - 20cm. Bên cạnh đó, xà gồ cũng có thể được làm bằng chất liệu thép, bê tông cốt thép có hình chữ W hoặc hình máng rãnh để gác cấu trúc chính hỗ trợ cho phần mái nhà.

Xà gồ làm bằng chất liệu thép hình chữ C

Xà gồ làm bằng chất liệu thép hình chữ C

Ngoài ra, xà gồ có ba loại chính dựa trên vị trí xà gồ thường được đặt như xà gồ nóc (Đặt thẳng đứng ở đỉnh kèo), xà gồ giữa (Đặt nghiêng theo mặt kèo) và xà gồ biên (Đặt ở chân kèo hoặc đặt thẳng đứng).

2. Thiết kế xà gồ phụ thuộc vào cái gì?

Khi thiết kế xà gồ, yếu tố đầu tiên cần phải lưu ý chính là độ dài của tấm lợp được sử dụng và tải trọng của mái phụ. Bên cạnh đó, trọng lượng của tấm lợp cũng là yếu tố quan trọng không kém bởi nếu thiết kế tấm lợp có trọng lượng quá nặng, xà gồ sẽ bị tiêu tốn nhiều hơn, từ đó làm hệ vì kèo trở nên nặng hơn.

Ngược lại, nếu bạn sử dụng tấm lợp có trọng lượng nhẹ thì bạn sẽ không phải chi trả quá nhiều cho phần xà gồ cũng như hệ vì kèo.

Thiết kế xà gồ phụ thuộc vào độ dài và trọng lượng của tấm lợp

Thiết kế xà gồ phụ thuộc vào độ dài và trọng lượng của tấm lợp

Ngoài ra, bạn cần chú ý, thông thường xà gồ mái nhà được thiết kế cân đối với tỷ số chiều dài trên chiều sâu là 1/32. Tấm kim loại cũng như lớp ván gỗ dùng cho phần mái, phần tường nhất định phải có sự tương ứng với chiều dài và tải trọng của các xà gồ.

Tấm lợp mái được sử dụng giống như một màng chắn cản gió, chống động đất, kết hợp cùng một hệ thống giằng ngang bên dưới. Khoảng cách giữa các xà gồ tường và xà gồ trên mái nhà thường trong khoảng 4 - 6ft.

Song song với đó, thanh treo được lắp đặt để truyền tải trọng lượng của xà gồ lên bộ phận hỗ trợ và có tác dụng kiểm soát độ lệch của dầm được tăng cứng cũng như xà gồ.

Lắp đặt thanh treo xà gồ giúp kiểm soát độ lệch

Lắp đặt thanh treo xà gồ giúp kiểm soát độ lệch

Lưu ý, thanh treo phải được dùng cho toàn bộ chóp mái nhà và phải được gắn cân bằng tại một số vị trí tương ứng với phía đối diện của những chóp mái. Hơn nữa, đòn đỉnh mái cũng cần được gắn chặt với nhau tại các điểm khác dọc theo chiều dài của chúng giúp làm tăng độ cứng ở chiều ngang.    

Đọc thêm:

IV. Khoảng cách cầu phong mái ngói trong mối tương quan với xà gồ

Làm sao để tính toán khoảng cách cầu phong, xà gồ cho kết cấu mái ngói một cách hợp lý để vừa đáp ứng được các yêu cầu của việc lợp mái ngói theo đúng kỹ thuật, lại vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí thi công? Tùy theo kết cấu mái và mục đích sử dụng mà bạn có thể lựa chọn một trong ba dạng kết cấu sau đây:

1. Khoảng cách xà gồ, cầu phong cho kết cấu khung kèo thép hai lớp lợp ngói

Kết cấu khung kèo thép hai lớp lợp ngói

Kết cấu khung kèo thép hai lớp lợp ngói

Hiện nay, khung kèo thép hai lớp lợp ngói được sử dụng phổ biến nhất nhờ tính năng dễ dàng phù hợp với mái nhà sàn bê tông hoặc đóng trần, đồng thời kết cấu mái có sử dụng kèo chữ A và li tô.

Ưu điểm của khung kèo thép hai lớp là nhẹ, có khả năng chống gỉ nhờ được tạo thành từ các thanh TC75.75 (hoặc TC100.75, TC75.10, TC100.100,...) và có thể liên kết với nhau bằng vít tự khoan ở cường độ cao.

Khung kèo được định vị vào dầm bê tông bởi pad liên kết cùng bu lông nở có quy cách M100 x 100mm. Ngoài ra, khoảng cách khung kèo tối ưu nhất là 1,2m và Li tô TS40.48 được bắn vào kèo bởi vít tự khoan, khoảng cách Li tô được xác định dựa theo quy cách của từng loại ngói.   

2. Khoảng cách xà gồ, cầu phong cho kết cấu khung giàn thép ba lớp lợp ngói

Kết cấu khung giàn thép ba lớp lợp ngói

Kết cấu khung giàn thép ba lớp lợp ngói

Khung giàn thép mạ 3 lớp chống gỉ còn được gọi là hệ kèo không gian, là một tổ hợp gồm các thanh TC75.75, TC100.75 ốp đôi và TS40.48 được chế tạo thành một khung giàn mái không gian liên kết với nhau bằng vít tự khoan ở cường độ cao.

Cùng với đó, xà gồ TC100.75 ốp đôi cũng được định vị vào dầm bê tông bằng pad liên kết cùng bu lông nở có quy cách M100 x 100mm hoặc M120 x 120mm, khoảng cách giữa các xà gồ khoảng 0,8 - 0,9m.

Đồng thời, cầu phong liên kết với xà gồ bằng pad liên kết và vít tự khoan, khoảng cách cầu phong mái ngói từ 1,1 đến 1,3m. Phần lợp ngói sẽ được bắt bằng Li tô TS40.48 theo các tiêu chuẩn ngói lợp với khoảng cách 33 - 36cm.   

3. Khoảng cách cầu phong cho kết cấu khung giàn mái bê tông lợp ngói

Kết cấu khung giàn mái bê tông lợp ngói

Kết cấu khung giàn mái bê tông lợp ngói

Khung giàn mái bê tông lợp ngói sử dụng thanh cầu phong TC40.75 được định vị sổ dọc xuôi theo mái nhà, đồng thời được liên kết chắc chắn với sàn bê tông bởi pad liên kết và bu lông nở , khoảng cách cầu phong từ 1,1 đến 1,2m.

Thanh Li tô TS40.48 được sổ ngang theo chiều dài của mái nhà tạo liên kết trực tiếp với thanh cầu phong TC40.75 bởi vít tự khoan ở cường độ cao. Khoảng cách giữa các thanh Li tô được xác định theo quy cách ngói.

Đọc thêm:

Trên đây là những giải đáp cụ thể từ chuyên gia giúp bạn trả lời câu hỏi “cầu phong là gì?”. Hy vọng với bài viết này của chúng tôi, bạn sẽ hiểu rõ hơn về tác dụng của cầu phong trong cấu tạo kết cấu mái nhà cũng như có thêm thông tin về khoảng cách cầu phong mái ngói.